Tính vô cảm trong xã hội ngày nay
02/05/2014
Giúp bé tăng cường trí nhớ qua trò chơi
22/05/2014
Tính vô cảm trong xã hội ngày nay
02/05/2014
Giúp bé tăng cường trí nhớ qua trò chơi
22/05/2014

Hàng năm, cứ đến dịp nghỉ Hè là các hoạt động gọi là dạy kỹ năng sống đến hẹn lại lên, bắt đầu rộn rịp ở các thành phố lớn. Trước hết, đây là một nhu cầu có thật từ các gia đình khi mà kỹ năng sống được xem là một yếu tố cần thiết

giúp cho các em học sinh phát triển những năng lực nội tại, để có thể tự tin và đứng vững trước những tác động tiêu cực từ cuộc sống. Nhất là khi vào hè, các em không còn phải đầu tư nhiều thời gian và công sức vào việc học, trong khi gia đình vẫn không có nhiều thời gian để chăm sóc và giám sát con em mình. Thế nhưng để đáp ứng nguyện vọng chính đáng ấy, thì các hoạt động giáo dục kỹ năng sống từ các đơn vị lớn cũng như bé, đã đạt được những tiêu chí do chính mình đưa ra trong các lời quảng cáo không ? và họ hiểu về giáo dục kỹ năng sống như thế nào ?

Theo TS Giáo Dục Thụy Anh, thì Kỹ năng sống là “khả năng thích nghi và hành vi tích cực” cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hằng ngày“. Khả năng ấy, hành vi ấy phải có một quá trình nhận thức và luyện tập mới trở thành thói quen, và từ thói quen làm được thành thạo sẽ trở thành kỹ năng. Vậy thì, làm sao chúng ta có thể ngây thơ đòi hỏi ai đó trong vòng 1, 2 tuần tạo được một kỹ năng cho con mình?

Ấy vậy mà có một số công ty, trung tâm tại TP HCM lại tự hào là có thể giáo dục cho các em HS chỉ cần qua một buổi nói chuyện với băng rôn, biểu ngữ và các lời phát biểu có cánh là có thể giúp các em biết nào là kỹ năng làm việc nhóm, nào là kỹ năng tư duy sáng tạo …Buồn cười nhất là họ không phân biệt được thế nào là Kỹ năng sống – Giá trị sống và kỹ năng mềm, là những khái niệm khác nhau cũng như không biết đến yếu tố phát triển về tâm sinh lý của trẻ để tổ chức các buổi dạy kỹ năng sống trong hội trường, với sự hiện diện của các giáo viên, quan chức của nhà trường, ngồi trang nghiêm như một cuộc hội thảo khoa học, chỉ có khác ở chỗ là có một giáo viên kỹ năng sống đứng lên giảng bài một cách nghiêm túc, rồi sau đó mời một số em lên chơi vài trò chơi vận động nhẹ ( vì có chỗ đâu mà chạy nhảy ) rồi ghi nhận vài ý kiến phát biểu của các em… Thế là các em đã biết được kỹ năng (ngồi) để làm việc nhóm !

Có khi họ cũng tổ chức các buổi “giáo dục” kỹ năng sống ở dưới sân trường với chủ trương “đánh nhanh – rút gọn” để tập hợp cả trăm em HS ngồi chồm hổm dưới sân xem một giáo viên KNS “biểu diễn”, sau đó cũng có vài trò chơi vận động để biết “làm việc nhóm” qua việc chen chúc nhau trên một miếng nhựa. Những trò chơi vẫn có giá trị của nó, nhưng chỉ qua một buổi sinh hoạt vui chơi và nghe giảng bài với nội dung đề cao các giá trị sống để gọi là dạy kỹ năng sống thì quá tội cho khái niệm này.

Dạy Kỹ năng sống cho trẻ là những tổ chức hoạt động thông qua trò chơi, điều đó đúng nhưng chưa đủ, vì nó phải được lập lại nhiều lân bằng nhiều kỹ thuật tác động khác nhau theo phương pháp giáo dục tiệm tiến, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phong phú để các em phải thấm, phải thể hiện được bằng hành động của chính mình chứ không phải là những trò chơi vận động cho vui cùng với những lời giáo huấn lấy nước mắt của trẻ thơ.

Cũng theo TS Thụy Anh thì với một đứa trẻ, để có thể SỐNG được, sống mạnh khỏe, an toàn, lành mạnh, ta cần chú ý đến 3 khía cạnh chính của tập hợp các “hành vi tích cực”. Đó là: tự phục vụ bản thân (khả năng tự lập); chung sống hòa hợp, đồng thuận với cộng đồng (có trách nhiệm với cộng đồng, phục vụ cộng đồng và tuân thủ các thỏa thuận và quy ước chung); khả năng ứng phó và tự bảo vệ và hỗ trợ người khác trước những tình huống bất ngờ, nguy hiểm.

Để có được những hành vi tích cực, hơn nữa, biến chúng thành những kỹ năng tối thiểu đáp ứng được 3 yêu cầu lớn nói trên, trẻ phải được giáo dục một cách có hệ thống và sâu sắc về những giá trị quan trọng của con người và cuộc sống. Chẳng hạn, trong các mối quan hệ xã hội, trẻ cần được hướng dẫn hiểu và cảm nhận được những khái niệm như tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình, tình mẹ con, tình cha con, tình anh em…

Như vậy, rõ ràng là cần phải hiểu hoạt động giáo dục kỹ năng sống là một tiến trình kéo dài trong một thời gian tối thiểu là vài tháng cho đến vài năm, và được gắn với việc học tập của các em tại nhà trường, song hành với nhà trường trong việc dạy tri thức thì các hoạt động giáo dục kỹ năng sống dạy các em nhận thức về bản thân. Từ ý thức đó kết hợp với những kỹ năng bảo vệ bản thân, thoát hiểm, định hướng …bằng các hoạt động thực hành từng bước một để dần dần trở thành một thói quen tốt, thay thế những hành vi xấu.

Do hiện nay chưa có một giáo trình chuẩn, và cũng khó có thể xây dựng những bài học mẫu vì việc giáo dục kỹ năng sống phải lấy trẻ làm trọng tâm, phải tác động tùy vào khả năng phát triển tâm sinh lý của trẻ. Cùng một độ tuổi, nhưng học ở các trường khác nhau, lớn lên trong môi trường xã hội và gia đình khác nhau, là đã có khả năng và nhận thức khác nhau rồi. Vì thế khó có thể có một vài bài học mẫu, vài “Kỹ năng mẫu” để đem đi “dạy kỹ năng sống” từ địa phương này qua địa phương khác, từ trường học nọ qua trường học kia !

Đáng tiếc là do đứng trước nhu cầu của xã hội, nhiều trường không hiểu rõ về nguyên tắc giáo dục kỹ năng sống như thế nào, đã chấp thuận cho một số đơn vị tổ chức các hoạt động dạy kỹ năng sống theo kiểu mì ăn liền, vào tổ chức các hoạt động vui chơi với một kịch bản kéo dài trong một buổi sáng, hay có thể trong một ngày ngay tại sân trường. Tổ chức như thế thì cả nhà trường và trung tâm giáo dục kia đều có lợi, nhà trường không mất công nhiều mà vẫn có cái để báo cáo là đã tổ chức dạy kỹ năng sống, còn trung tâm thì có lợi về doanh thu, về quảng bá thương hiệu mà không tốn công sức bao nhiêu. Chỉ có các em HS là đối tượng cần tiếp nhận các kỹ năng sống là thiệt đơn, thiệt kép vì chỉ được “chơi vui hết biết” một buổi, lắng nghe những lời giáo huấn “cảm động sụt sùi” và rồi sau đó thì đâu lại vào đấy ! Mà có khi còn tệ hơn là các em và gia đình sẽ mất niềm tin vào các hoạt động giáo dục kỹ năng sống thực sự !

Việc tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống theo chuyên đề từng kỹ năng một không phải là sai, nhưng nó phải có một kế hoạch kéo dài kết hợp với một chương trình giáo dục dài hơi, dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú, chứ không thể là hoạt động lâu lâu mới làm một lần tại sân trường hay hội trường. Vì chỉ có một chương trình kéo dài một cách bài bản mới giúp các em HS có thời gian tiếp nhận và có thể vận dụng tại gia đình mình. Đây cũng là một yêu cầu là về phía gia đình, các bậc phụ huynh cũng cần được hướng dẫn, để cùng kết hợp với nhà trường và các đơn vị giáo dục kỹ năng sống nghiêm túc, với những giáo trình phong phú, đầy đủ về nhiều mặt, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của các em, để từng bước tiếp tục tác động với các em tại gia đình. Chính trong môi trường gia đình và nhà trường là nơi các em thể hiện ra những điều đã nhận được từ các hoạt động giáo dục kỹ năng sống một cách lâu dài, chứ không phải là dùng để biểu diễn hay vui chơi để chụp hình quảng cáo !

CvTl Lê Khanh

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý