Tọa đàm Khuyến khích hành vi tích cực
22/03/2012
Hãy tạo cảm hứng cho con
24/03/2012
Tọa đàm Khuyến khích hành vi tích cực
22/03/2012
Hãy tạo cảm hứng cho con
24/03/2012

Làm sao cho con học giỏi có lẽ là một mong muốn của đa số phụ huynh, nhưng ngoài việc buộc trẻ phải học càng nhiều càng tốt thì đã có bao nhiêu người biết cách giúp trẻ xem việc học như một niềm vui và đạt được những kết quả tốt nhất mà không phải đánh mắng hay ép buộc ?

Trước tiên, trẻ cần có một góc học tập tốt, tốt nhất là một góc yên tĩnh, sáng sủa và mát mẻ trong nhà, hoặc trong một phòng riêng. Khi đó trẻ có thể tập trung suy nghĩ vào bài học hơn và không bị phân tán tư tưởng bởi những yếu tố bên ngoài.

Cũng có những trẻ thích học ở một phòng có những sinh hoạt chung của gia đình, hoặc khi gia đình không có được những phòng riêng, thì điều quan trọng là phải tránh những tác động khiến trẻ dễ bị chia trí như bật TV to tiếng, mở nhạc có lời hay ăn uống ồn ào. Chúng ta nên tôn trọng giờ học tại nhà và yêu cầu phải có sự tập trung qua một lịch hoạt động cụ thể, trong một số giờ nhất định trong ngày.

1/ Các nguyên tắc để có sự tập trung :

          Hướng vào mục đích rõ ràng: Trong trí óc trẻ luôn có 2 ngăn trí nhớ riêng biệt; Một ngăn trí nhớ tức thời hay trí nhớ ngắn hạn, nơi mà tất cả các thông tin đều được thu nhập, nhưng chỉ lưu giữ khoảng 5 phút, nếu không có sự quan tâm thì sẽ quên ngay. Ngăn còn lại là ngăn trí nhớ lâu dài, khi mà trẻ nhận ra có những thông tin có ích và cần thiết, thì trẻ sẽ nhắc lại và từng bước chuyển vào ngăn trí nhớ lâu dài để lưu giữ, có khi sẽ nhớ suốt đời .Trẻ sẽ nhớ bài học nếu hiểu rõ những thông tin đó là cần thiết, sẽ giúp ích cho trẻ trong một vấn đề gì đó vì thế, phụ huynh cần nói rõ và giúp trẻ hiểu được mục đích của bài học đó.

          Chia nhỏ các bài học dài: Hãy chia các giờ học tương đối ngắn, vì chắc chắn trẻ không thể nào tập trung bằng người lớn ! Thông thường thì trẻ từ lớp 1 – 3 chỉ nên học từ 15 – 30 phút. Trẻ từ lớp 4 đến lớp 6 có thể học từ 30 phút đến 1 giờ. Nếu bài học dài hãy chia các bài dài ra từng phần, sau đó giúp trẻ học từng phần trước khi học toàn bài.

          Ngưng lại khi trẻ bắt đầu mệt: Hãy cho trẻ nghỉ giải lao từ 10 – 15 phút sau một thời gian học ( 15-30 phút ) khi thấy trẻ tỏ ra mệt

 

2/ Các nguyên tắc dạy trẻ:

          Thông thường, việc kèm trẻ tại gia đình thì các phụ huynh thường giao cho gia sư, tuy nhiên cũng có nhiều phụ huynh có khả năng và thì giờ để có thể tự đứng ra kèm trẻ. Hay nói đúng hơn là nhắc trẻ học và dò bài cho các em.

            Vì thế cũng không nhất thiết là phải có trình độ hay sự nắm bắt về nội dung những gì các em học ở trường, mà chỉ cần biết một số phương pháp giúp trẻ có khả năng tự học, còn mình thì chỉ đóng vai trò giám sát.

          Dạy trẻ bằng phương pháp so sánh : Các thông tin muốn được lưu giữ lâu dài thì cần có sự gắn kết – Chính sự gắn kết bằng cách so sánh giữa những thông tin đã nhập trước cùng những thông tin mới nhập sau sẽ giúp trẻ thấy được tính chất của chúng vì các thông tin mới sẽ bổ sung, loại bỏ hay phủ định các thông tin cũ. Chúng ta có thể giúp trẻ nhìn ra những sự giống/khác nhau giữa các sự kiện hay thông tin mới và cũ và từ đó trẻ sẽ có những hình ảnh cụ thể trong trí não.

          Dạy trẻ bằng phương pháp nhắc lại : Thông thường, sau 30 phút thu thập thông tin, người ta chỉ còn nhớ khoảng 50% và sau đó một đến hai ngay thì chỉ còn 20% các thông tin là còn được lưu giữ. Vì thề để trẻ nhớ bài học, không có biện pháp nào khác là phải nhắc lại – Chúng ta hãy yêu cầu trẻ nhắc lại các thông tin cũ, rồi so sánh chúng với các thông tin mới, từ đó rút ra những điều cần ghi nhớ.

Một biện pháp rất có hiệu quả trong việc nhắc lại, đó là yêu cầu trẻ trình bầy một cách tóm tắt những điểm chính yếu trong bài học thành một dàn bài chi tiết, rồi từ đó lại tóm tắt một lần nữa với những cái gạch đầu dòng. Trẻ chỉ cần thuộc những điều này là đã có thể nhớ đến 90% bài học.

          Dạy trẻ bằng phương pháp chọn lọc : Tùy vào yêu cầu của bài học nhưng nên hướng dẫn trẻ làm những bài dễ trước – khó sau, đi từ đơn giản đến phức tạp. Ngoài ra, chúng ta có thể giúp trẻ học bằng cách xen kẽ – sau khi học một bài thuộc lĩnh vực nhân văn ( Sử địa, văn ) thì trẻ loại quay sang làm một bài tập hay học một bài thuộc lĩnh vực khoa học ( Toán ) Điều này giúp cho bộ nhớ của các em không quá tải vì những thông tin của hai lĩnh vực này khác nhau.



3/ Xây dựng thời khóa biểu

            Mỗi một học sinh đều có thời khóa biểu các môn học ở trường, nhưng ở nhà thì hầu như các em thường ít khi có được một Lịch hoạt động cụ thể, điều này khiến cho các em không hình thành được khả năng tự sắp xếp, hay tự học. Các em sẽ rất khó khăn trong việc tự ngồi vào bàn, vì các em rất dễ kéo dài những giờ phút giải trí hay làm các việc linh tinh mà không biết điều này sẽ ảnh hưởng đến quỹ thời gian trong ngày.

            Vì vậy, việc cha mẹ cùng ngồi lại với con, giúp con xây dựng một chuỗi các hoạt động tại nhà mà ta gọi là Lịch hoạt động là điều rất hữu ích, giúp các em biết rõ công việc cần phải làm trong các giờ ở nhà.

            Sinh hoạt trong nhà, không chỉ có việc học mà kể cả các hoạt động khác như quét dọn nhà cửa, phụ nấu bếp… của các em cũng là điều rất cần để các em có điều kiện học tốt hơn, vì những hoạt động đó giúp cho đầu óc nghỉ ngơi trong khi chân tay lại hoạt động. Giúp cho các em vận động được cơ thể sau những giờ phút miệt mài bên bàn học.

            Hiện nay, có thể nói là đa số các em ở bất cứ cấp học nào đều phải bỏ quá nhiều thì giờ vào việc học. Ngoài thời gian chính thức đi học tại nhà trường, các buổi còn lại các em vẫn phải học thêm, làm bài tập… Vì vậy, việc xếp đặt một lịch hoạt động hợp lý, có sự quân bình giữa thời gian học tập và các hoạt động khác như ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí, làm việc nhà cũng là một điều rất quan trọng để các em tạo thành những thói quen có ích, đầu óc không bị quay cuồng với những con số, những sự kiện dễ làm cho các em nản chí và không còn khả năng tập trung.

 

4/ Các nguyên tắc giúp cho trẻ có hứng thú và tập trung vào việc học:

  1. Khi trẻ có sai lầm trong việc làm bài – thay vì buộc tội – hãy mô tả những sai lầm đó
  2. Khi trẻ quên bài – thay vì mỉa mai trí nhớ của trẻ – hãy đưa ra vài thông tin
  3. Khi trẻ không ngồi yên – thay vì ra lệnh – hãy mô tả tình trạng của trẻ
  4. Khi trẻ vẽ bậy, bôi xóa lên bàn ghế – Thay vì buộc tội – Hãy cho trẻ biết chỗ có thể vẽ ( vẽ lên giấy )
  5. Khi trẻ vất sách vở lung tung – thay vì khiển trách – hãy cho trẻ biết nếu sách vở thất lạc thì hậu quả sẽ như thế nào ( phải mượn bạn chép lại )
  6. Khi trẻ ở dơ, quần áo dính mồ hôi – thay vì làm cho bẽ mặt – hãy cho biết sự cần thiết của vệ sinh.
  7. Khi trẻ bầy bừa vật dụng trên bàn – thay vì buộc trẻ phải dọn ngay – hãy cho trẻ sự chọn lựa phương pháp dọn dẹp ( đưa ra 2 phương án dọn dẹp)
  8. Khi trẻ có khó khăn trong việc làm bài – thay vì đưa ra những dự báo tệ hại ( bị phạt, bị điểm 0 ) thì hãy cho trẻ biết một vài phương hướng giải quyết.
  9. Khi trẻ quên mặc áo, quên tập sách – thay vì phê bình       thì hãy nhắc nhở một cách ngắn gọn. ( con quên sách đó )
  10. Khi muốn trẻ ngưng nói chuyện ồn ào – Thay vì diễn giải và buộc trẻ phải ngậm miệng – hãy dùng cử chỉ yêu cầu giữ yên lặng.
  11. Khi trẻ viết sai – thay vì chê trách – hãy nêu ra nhận xét về sự sai lầm của trẻ
  12. Khi trẻ quậy phá người lớn – thay vì mỉa mai, hay la mắng thì hãy cho trẻ biết cảm xúc của mình lúc đó. ( Bố mẹ rất buồn lòng vì điều này )
  13. Khi biết trẻ có những hành vi quậy phá – thay vì sỉ vả – hãy cho biết sự không hài lòng của mình
  14. Khi bị trẻ cắt ngang khi đang nói – thay vì quát mắng – hãy nói lên cảm xúc của mình. ( Không hài lòng về điều đó ).


Tất cả những nguyên tắc này, nếu được áp dụng một cách đúng đắn, sẽ giúp cho trẻ không cảm thấy việc học ở nhà quá nặng nề và sẽ không tìm cách lẩn tránh nữa.

Cv.Tl Lê Khanh

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý