Giúp trẻ đạt kết quả tốt khi học tập
22/03/2012
Hội thảo Can thiệp hành vi cho trẻ tự kỷ
26/03/2012
Giúp trẻ đạt kết quả tốt khi học tập
22/03/2012
Hội thảo Can thiệp hành vi cho trẻ tự kỷ
26/03/2012

Trong tất cả các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ thì một nguyên tắc rất cần thiết mà bất cứ một phụ huynh nào muốn thành công đều phải lưu ý, đó chính là tạo ra nguồn cảm hứng cho trẻ thông qua các hoạt động tại gia đình.

      

1/ Phát huy sự vui vẻ :

Vui vẻ là yếu tố đầu tiên để truyền cảm hứng cho trẻ, nếu chúng ta tạo ra được một bầu khí vui vẻ trong gia đình, thì điều đó có nghĩa là chúng ta đã có một cái nền, có một điểm xuất phát rất tốt cho tiến trình đem đến sự phấn khởi, nguồn cảm hứng cho trẻ trong các hoạt động của mình.

Để có được sự vui vẻ trong gia đình, trước hết chúng ta nên phân biệt hai khu vực không gian : Khu vực làm việc ngoài xã hội và khu vực hoạt động trong gia đình. Hiện nay, việc cả hai cha mẹ đi làm là điều bình thường, nhưng điều khiến cho sự ổn định và bầu khí trong gia đình dễ bị xáo trộn là việc các bậc cha mẹ thường lôi luôn cả những vấn đề trong công việc ở ngoài xã hội về nhà.

Chúng ta chắc cũng biết câu :” Giận cá chém thớt” , điều đó áp dụng trong lĩnh vực này có nghĩa là chúng ta đem những sự bực mình ở cơ quan, ở nơi mình làm việc về nhà để trút lên đầu con ! Nói như thế, không có nghĩa là chúng ta không thể mang công việc từ cơ quan về nhà để giải quyết cho xong, nhưng chúng ta không đem cái bầu khí làm việc, mà thường là những căng thẳng, những áp lực, những chuyện không vui nhiều hơn là những thuận lợi và thành công , để buộc con cái phải chịu đựng những điều mà chúng ta đang phải chịu đựng. Chúng ta có thể chia sẻ, có thể nói ra những khó khăn để tìm được sự cảm thông và đôi khi có thể được hóa giải bởi sự vui vẻ của con cái.

Ngược lại, chúng ta cũng không nên đem những khó chịu, căng thẳng ở trong nhà mang vào trút lên đầu các đồng nghiệp của mình hay lại gây ra những khó khăn cho những người chẳng may phải tiếp xúc với mình khi mình đang mang những nỗi niềm bực tức trong người.

Một điều quan trọng để xây dựng sự vui vẻ trong nhà đó là cha mẹ nên có tính khôi hài cũng như có cái nhìn dưới góc độ khoan dung và hài hước mọi sự kiện. Có thể nói, những ông bố bà mẹ biết nói đùa với con, biết nhìn thấy những điều ngộ nghĩnh, buồn cười ngay cả với những sai lầm của trẻ là những người có khả năng tốt nhất trong việc xây dựng sự vui vẻ trong gia đình.

2/ Quan tâm việc lắng nghe

Chúng ta thường được nghe nhiều đến cụm từ : Lắng nghe hay luôn luôn lắng nghe ! Nhưng, giữa lắng nghe và nghe có gì khác nhau – Rõ ràng là nó chỉ khác nhau một điều, đó chính là sự chú tâm khi nghe ! Nghe với sự chú tâm được gọi là lắng nghe – Tuy đơn giản là thế nhưng muốn lắng nghe, không phải là điều đơn giản. Bởi vậy, người ta thường nói rằng: “Luôn luôn lắng nghe – lâu lâu mới hiểu” dù ai cũng muốn “luôn luôn lắng nghe – luôn luôn thấu hiểu” – Thực ra, luôn luôn lắng nghe là một điều không tưởng, thì việc luôn luôn thấu hiểu lại càng không tưởng hơn !

Vì thế chúng ta chỉ cần một điều là để giúp cho con em có được niềm hứng khởi trong cuộc sống, hãy quan tâm đến việc lắng nghe, hãy biết lắng nghe những điều cần nghe và hãy biết lắng nghe không phải chỉ bằng đôi tai, mà là bằng sự thấu cảm của tâm hồn.

Có một cụm từ khác, cũng rất thú vị đó là học hỏi, đã học thì phải hỏi, ở đây cũng thế, muốn lắng nghe thì phải biết đặt câu hỏi, chính việc hỏi han đó là nền tảng của sự quan tâm, và chúng ta chỉ có thể lắng nghe khi có sự quan tâm. Vì thế, chính cha mẹ cũng cần phải biết đặt câu hỏi với con, chúng ta không tra vấn trẻ theo kiểu : “đi chơi với ai, sao giờ này mới về” mà đó là những câu hỏi nói lên sự quan tâm đến những gì đã xẩy ra với con, đến những gì mà con làm được, và những gì mà con mong muốn. Chính những điều đó sẽ thúc đẩy trẻ gia tăng mối quan hệ với cha mẹ và điều đó sẽ tạo ra sự phấn khởi cho các em.


3/ Hình thành tính sáng tạo

Hiện nay, có một danh từ thường được nói nhiều, nhất là trong các chương trình chăm sóc giáo dục trẻ, thậm chí ngay cả trong một số thực phẩm ( Như sữa, nước giải khát, thực phẩm chức năng..) thường hay sử dụng hơi bị…nhiều, đó là từ Sáng tạo.

Trong nhiều trường hợp thì người ta thường lầm lẫn giữa sáng tạo và sáng kiến và sự lanh lợi. Điều dễ chấp nhận là nếu trẻ được chăm sóc đầy đủ, thì sẽ phát triển tốt và có thể có nhiều sáng kiến hay, có sự lanh lợi. Nhưng, uống sữa mà phát huy được tính sáng tạo thì rõ ràng là nói quá.

Thế nhưng, chính trong các hoạt động tại gia đình khi các em được hưởng thụ một nền giáo dục có khả năng phát huy sự tự chủ nơi các em và tạo được niềm phấn khởi trong cuộc sống, thì đó là một tiền đề quan trọng, một yếu tố hữu ích để giúp các em phát huy tính sáng tạo của mình.

Các nguyên tắc giúp phát triển tính sáng tạo cho trẻ:

          Tìm kiếm và khuyến khích các em phát huy khả năng trong một vài bộ môn nghệ thuật phù hợp với sở thích và tố chất.

          Tạo điều kiện cho các em có những tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm trong lĩnh vực nào đó

          Cung cấp cho các em một bầu khí gia đình lành mạnh, vui vẻ và cởi mở với sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau.

Tuy nhiên chúng ta cũng nên biết rằng, các em có thể phát triển khả năng nghệ thuật và từ đó đi đến những sáng tạo nghệ thuật, đó cũng là điều tất yếu. Nhưng không phải bất cứ trẻ nào được thụ hưởng một nền giáo dục hoàn hảo cũng có khả năng sáng tạo, vì nó còn cần có những yếu tố khác nữa mà những năng khiếu bẩm sinh chính là một yếu tố cần thiết.

Điều quan trọng ở đây là cha mẹ tạo ra cho các em những nền tảng cần thiết, những điều kiện thuận lợi, trao vào tay các em những công cụ hữu ích. Phần còn lại là thuộc về các em, với những yếu tố đó, các em sẽ dễ dàng thành công hơn trên bước đường phát triển của mình, nhưng đó không phải là điều tất yếu.

Cha mẹ chúng ta chỉ có thể làm đến như thế thôi – phần còn lại trong cuộc đời các em, là do chính các em quyết định – đó mới là sự tôn trọng và đó mới là điều quan trọng nhất.

CvTl LÊ KHANH


Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý