Mặt trái của công nghệ truyền thông
06/02/2015Kỹ năng sắp xếp tổ chức
06/02/2015Chúng ta hãy thử quan sát một đứa trẻ khi chơi đùa, ta sẽ thấy trẻ biểu lộ những trạng thái của mình một cách rất sôi nổi, rõ ràng …Trẻ nhảy nhót, khua tay múa chân, nghiêng qua nghiêng lại, cười thật giòn giã, hét thật to… Điều đó do một phần trẻ chưa biết tự kiềm chế bản thân, nhưng cũng là những cảm xúc tích cực và chân thật.
Giúp trẻ phát triển thay vì cấm đoán :
Tuy nhiên, càng lớn lên thì những hình thái ấy càng mất dần đi, vì trẻ đã bị nhắc nhở, kiểm soát thậm chí là trừng phạt nếu như khi đến trường mà còn đùa giỡn, chạy nhảy… Ngay tại gia đình, trẻ cũng bị la mắng vì những trò nghịch ngợm của mình, điều đó đối với một số trẻ có cá tính hướng nội, thụ động thì hầu như không có vấn đề gì, nhưng sẽ khiến trẻ không còn hứng thú với những hoạt động chung quanh, trở nên “vô cảm” trong một số vấn đề. Còn với một số cháu hiếu động, có tính hướng ngoại thì có thể sẽ gây ra những ức chế, khó chịu đôi khi hình thành những phản ứng tiêu cực như khó ngủ, kéo dài tình trạng đái dầm, mút tay…
Cũng có những trẻ, đặc biệt là các trẻ trai khi bầy tỏ những cảm xúc như khóc lóc, rên rỉ hay tỏ ra sợ hãi thì thường bị chế diễu hay trách móc, con trai mà lại mềm yếu như thế, dần dần trẻ sẽ phải đè nén cảm xúc hay che dấu nó, điều đó cũng có thể gây ra những ức chế về tâm lý cho trẻ.
Chúng ta không khuyến khích một đứa trẻ thường xuyên la hét, nhảy nhót nghịch ngợm, hay lúc nào cũng rên rỉ khóc lóc, nhưng chúng ta khuyến khích và chấp nhận những hình thái bầy tỏ cảm xúc một cách chân thật nơi trẻ. Khi vui, chúng ta tạo cơ hội cho trẻ cười giỡn thật thoải mái, khi buồn chúng ta cũng để cho trẻ tự do bầy tỏ theo cách của mình, trẻ có thể khóc lóc, có thể kêu la… trong một mức độ nào đó và chúng ta sẽ giúp trẻ dần dần biết tự kiểm soát cảm xúc của mình.
Kiểm soát được cảm xúc là yếu tố giúp trẻ thành công
Việc kiểm soát cảm xúc không phải là sự kềm chế, mà là biết bầy tỏ một cách chừng mực, đúng lúc, đúng chỗ. Điều này không phải là những biện pháp mang tính đối phó, mà là những ứng xử giúp trẻ có sự ổn định về tâm lý.
Chúng ta biết rằng, có hai loại cảm xúc là cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực. Những cảm xúc tích cực như sự hy vọng, lòng tự hào về gia đình và bản thân sẽ giúp trẻ có được sự thoải mái và hưng phấn trong mọi hoạt động. Còn các cảm xúc tiêu cực như tình trạng dễ nổi nóng , dễ buông xuôi thất vọng có thể gây cho trẻ những xáo trộn về tâm lý.
Cảm xúc là một trạng thái tâm lý ai cũng có, cũng biết nhưng hầu như không thể định nghĩa chính xác, chúng ta chỉ có thể cảm nhận được nó chứ không thể xác định được, khi trẻ có thể diễn tả bằng những hành động cụ thể, cũng là lúc trẻ có thể cảm nhận đươc những ảnh hưởng của cảm xúc trên tâm tính mình. Một đứa trẻ có khả năng bầy tỏ cảm xúc là một người có khả năng kiểm soát được các hành vi của minh. Vì thế việc khuyến khích trẻ bầy tỏ những cảm xúc tích cực là điều rất cần thiết để giúp trẻ có được những thôi thúc, những động lực trong các hoạt động thường ngày, cũng sự trẻ sẽ hình thành được sự tự chủ cho bản thân.
LÊ KHANH