Tác giả: Lê Khanh

  • Tranh cãi chuyện vở Bài tập Tự nhiên và Xã hội lớp 1 dùng từ chỉ bộ phận nhạy cảm, chuyên gia nói gì?

    Tranh cãi chuyện vở Bài tập Tự nhiên và Xã hội lớp 1 dùng từ chỉ bộ phận nhạy cảm, chuyên gia nói gì?

    Trang 60, vở bài tập Tự nhiên và Xã hội lớp 1 (thuộc bộ sách Cánh Diều) dùng những từ chỉ bộ phận cơ thể như “dương vật”, “âm hộ” gây nhiều tranh cãi.

    Sau ồn ào về chương trình nặng gây áp lực cho học sinh hay nhiều bài học có nội dung khó hiểu, không phù hợp với trẻ trong sách tiếng Việt lớp 1, mới đây, phụ huynh lại phát hiện một chi tiết đáng chú ý trong vở bài tập Tự nhiên và Xã hội lớp 1.

    Cụ thể, trong trang 60, câu hỏi trắc nghiệm Đúng – Sai khi phân biệt cơ thể con trai và con gái có nhiều câu gây phản ứng trái chiều, trong đó có các câu: Chỉ có con trai mới có dương vật/ Chỉ có con gái mới có âm hộ.

    Trên một group dành cho bố mẹ có con học lớp 1, khi một phụ huynh chụp lại trang sách và phản ánh, ngay lập tức chủ đề này gây ra những ý kiến trái chiều.

    Chị Huỳnh Hương, một phụ huynh ở quận 3, TP.HCM nhận định: “Không hiểu bé 6 tuổi thì biết gì về dương vật, âm hộ mà đưa vào sách giáo khoa (SGK). Nếu có muốn dạy thì chỉ nên giải thích cho học sinh hiểu trong phần dạy thực hành, ghi vào SGK như vậy thực sự rất phản cảm, đến người lớn như tôi còn thấy ngại”.

    Đồng ý kiến, chị Thảo Nguyên, ngụ Tân Bình, TP.HCM cho biết: “Cả tháng nay dư luận bàn tán chuyện SGK có sạn tôi cũng không lên tiếng nhưng đọc trang vở Tự nhiên và Xã hội này của con thì đúng là quá sức chịu đựng. Theo tôi, nếu muốn dạy bé giới tính chỉ cần ghi vùng kín bé gái, bé trai nơi mặc quần khác nhau là được. Một đứa bé học những từ nhạy cảm như vậy, nếu nó đi nói lung tung thì sao? Con nít bắt chước nhanh lắm, ở nhà tôi nói từ gì lạ là mai tụi nó bắt chước y chang. Trẻ mới lớp 1 có cần trắng trợn ra như vậy không?”. 

    Bên cạnh đó, có nhiều phụ huynh cho rằng, việc dạy giới tính cho trẻ là cần thiết và bố mẹ phản ứng là do quá “nhạy cảm”, đem suy nghĩ người lớn áp đặt cho đứa trẻ.

    Anh K. Vinh chia sẻ: “Con mình năm nay học lớp 2 nên không học cuốn vở bài tập này. Nhưng theo ý kiến cá nhân mình thì thời này con nít hiểu biết hơn, lại tiếp xúc ti vi điện thoại nhiều, mình trang bị kiến thức giới tính sớm cho con cũng là điều nên làm. Ở nhà mình, khi con đặt câu hỏi về vấn đề giới tính, hai vợ chồng vẫn giải đáp rõ ràng, nghiêm túc, không tỏ ra ngượng ngùng, bối rối, không cười giỡn, đùa cợt với thắc mắc của con”.

    “Dạy cũng nói mà không dạy cũng nói, SGK ghi như vậy nhưng cô giáo sẽ dạy và giải thích cho các con nữa mà, cứ đem cách nhìn của người lớn để áp vào cho con trẻ làm gì không biết. Bao nhiêu vụ trẻ em bắt chước làm chuyện người lớn đầy trên báo chí không biết chưa sợ hay sao mà còn phản đối. Trường hợp trẻ gặp chuyện không mong muốn cần ra tòa lấy lời khai chẳng hạn thì biết cách gọi đúng các bộ phận cơ thể không phải rất có lợi sao?

    Tôi ủng hộ dạy cho trẻ về giới tính càng sớm càng tốt, chia sẻ thẳng thắn với con về vấn đề giới tính, tình dục và các cơ quan nhạy cảm trên cơ thể khi con còn nhỏ giúp con hiểu rằng tình dục và giới tính là điều bình thường trong cuộc sống. Thà “vẽ đường cho hươu chạy an toàn” còn hơn để tụi nhỏ tự tìm hiểu rồi có cái nhìn lệch lạc”, chị Thoa, một phụ huynh ở quận 6, TP.HCM nêu ý kiến.

    Chuyên gia tâm lý Lê Khanh: Trẻ 6 tuổi phù hợp để nói thẳng, nói thật về giáo dục giới tính

    Chuyên gia tâm lý Lê Khanh – Phòng khám Tâm lý Gia đình và Trẻ em – tác giả của nhiều quyển sách hay như: Những quy tắc để con có cuộc sống hạnh phúc – Phòng tránh và can thiệp sớm rối nhiễu tâm lý trẻ em; Khởi đầu thành công khi con vào lớp 1… chia sẻ về vấn đề này.

    Đứng ở quan điểm của một chuyên gia tâm lý, tôi thấy rằng những tên gọi mà phụ huynh cho là nhạy cảm như “âm hộ”, “dương vật” là rất bình thường về cơ thể học. Nhiều trường hợp người lớn dùng những từ lóng khi nói về bộ phận nhạy cảm của trẻ có thể dẫn tới việc khi trẻ tự tìm hiểu được từ sách báo, youtube có thể nghĩ là bố mẹ lừa gạt mình. Cho nên tốt nhất nên nói luôn với con là bộ phận này có tên khoa học là như vậy nhưng bình thường con có thể gọi theo cách khác. Tức là mình cung cấp cả hai cách gọi và giải thích cho con có những thuật ngữ chỉ nên dùng trong sách vở, còn ngôn ngữ bình thường khi giao tiếp thì dùng từ nhẹ nhàng hơn.

    Nhiều người cho rằng 6 tuổi quá sớm để dạy trẻ về giới tính, nhưng thực tế ngay từ khi đứa bé 3, 4 tuổi, theo tâm lý phát triển, đứa bé đã nhận ra giới tính của mình và phân biệt cái gì của mình khác biệt với các bạn khác giới. Vậy nên mình dùng những thuật ngữ chính xác với trẻ giai đoạn này không có gì là suồng sã cả. Cần cho trẻ làm quen từ từ với những khái niệm về cơ thể. Ví dụ giải thích ngắn gọn về cơ quan sinh dục, khuyên trẻ vệ sinh sạch sẽ, tự bảo vệ mình bằng  và “Nguyên tắc đồ lót”.

    Bố mẹ luôn phải giữ thái độ tự nhiên, ôn hòa, thẳng thắn, không nói dối. Trả lời kiên quyết, rõ ràng, không dài dòng, liên tưởng. Tuy nhiên, nên nhớ không đồng nhất giáo dục giới tính và giáo dục tình dục, từ 8 đến 10 tuổi mới dạy về sức khỏe sinh sản chứ không phải cho trẻ biết hết tất cả mọi thứ ngay từ đầu. Nội dung sẽ mở rộng theo từng độ tuổi”.

    Cô Yến Trâm, giáo viên dạy lớp 1 tại quận 9, TP.HCM chia sẻ: Thực tế khi dạy tới bài học này, ngoài bài tập trắc nghiệm thì giáo viên còn có thể tham khảo cả video minh họa trên trang web của nhà xuất bản. Theo tôi, bài học thiết kế khá hay, minh họa trực quan, giúp trẻ hiểu và phân biệt rõ ràng các bộ phận cơ thể giống và khác nhau giữa hai cá thể khác giới chứ không phải chỉ nói về vùng kín như âm hộ hay dương vật. Việc gọi tên chính xác của các bộ phận là cần thiết, vì ngoài phần tìm hiểu tên gọi, chức năng thì còn có cả phần những việc cần làm để giữ cơ thể sạch sẽ.

    Phụ huynh chỉ đọc 1 trang vở, không có ngữ cảnh, có hình ảnh hay video minh họa có thể thấy hơi phản cảm, nhưng với vai trò một giáo viên đứng lớp, bản thân tôi thấy mọi chuyện khá bình thường. Phụ huynh thương cho con, lo cho con, nhưng thầy cô còn có hướng dẫn giảng dạy, có tập huấn nghiệp vụ sư phạm, nên thầy cô sẽ có trách nhiệm giải thích cho học sinh những từ lạ sao cho trẻ dễ hiểu và áp dụng đúng chỗ”.

    https://afamily.vn/tranh-cai-chuyen-vo-bai-tap-tu-nhien-va-xa-hoi-lop-1-dung-tu-chi-bo-phan-nhay-cam-chuyen-gia-noi-gi-20201016191147298.chn?fbclid=IwAR088mQtZzdv1lGg_GgmWCRTfhPQ478l98D1QqEUEU-fMkwocbfxPWfGoNA

     

  • TÌNH TRẠNG SA SÚT TRÍ NHỚ

    TÌNH TRẠNG SA SÚT TRÍ NHỚ

    Đừng tưởng ngưởi già mới lẫn. Tình trạng sa sút trí nhớ đến độ “vừa nghe đã quên” của người trẻ từ lâu đã vượt xa mức báo động.
    Ai chưa tin xin thử xem có bao nhiêu người nhớ nổi số…CMND hay số bằng lái xe ?
    Nhiều người quên tuốt luốt, quên giờ vào sở, quên luôn công việc, quên cả vợ con, đến độ sau giờ làm việc phải ngồi hàng giờ ở bàn nhậu để cố nhớ nẻo về nhà, thậm chí quên hết đến độ chỉ còn nhớ có mỗi ngày… lãnh lương!
    Chuyện gì cũng có lý do.
    Bộ nhớ mau hư thường vì nạn nhân chính là thủ phạm, do thiếu nhiều thứ cùng lúc lại thừa vài món trong cuộc sống thường ngày.
    Đó là:
    * Thiếu ngủ:
    Không kể người lỡ chọn nghề trực đêm, thiếu ngủ vì thức quá khuya, dường như là “mốt” của nhiều cư dân trong các thành phố. Kẹt một điểm là chất lượng của trí nhớ gắn liền với độ sâu của giấc ngủ, theo kết quả nghiên cứu ở Đại học Schleiweg-Holstein.
    Nhưng nếu tưởng như thế chỉ cần dùng thuốc ngủ để ngủ cho được nhằm tăng cường trí nhớ thì lầm. Thuốc an thần tuy tạo được giấc ngủ, nhưng não bộ đồng thời cũng mê một lèo, khiến bộ nhớ quên luôn công việc.
    * Thiếu nước:
    Não lúc nào cũng tiêu thụ không dưới 20% năng lượng của cơ thể riêng cho chức năng tư duy.
    Não vì thế rất cần nước và chất đường sinh năng. Theo chuyên gia ở Đại học Erlangen, uống không đủ nước trong ngày lại thêm bữa ăn chiều thiếu chất ngọt là một trong các lý do khiến tín hiệu thần kinh vừa nhập vào lại ra ngay, cứ như nước đổ đầu vịt.
    * Thiếu dầu mỡ:
    Chất béo loại cần thiết cho cấu trúc của tế bào thần kinh như 3-Omega, Acid Linoleic… là món ăn chính của não bộ. Đừng tưởng kiêng cử là béo tốt cho não. Trái lại là khác. Tất nhiên đừng để tăng chất mỡ máu vì đó là yếu tố bất lợi cho hoạt động của bộ não. Nhưng thiếu mỡ cũng tai hại tương tự.
    * Thiếu dưỡng khí:
    Thêm vào đó, não không thể dán tín hiệu thần kinh, dù là hình ảnh hay âm thanh vào bộ nhớ nếu tế bào thiếu dưỡng khí vì thiếu máu. Chính vì thế mà nhiều thầy thuốc khuyên dùng cây thuốc có công năng cải thiện hàm lượng dưỡng khí trong não bộ ngay cả cho người chưa phát hiện triệu chứng “đụng đâu quên đó.
    * Thiếu vận động:
    Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy người cao tuổi nếu vận động thể dục thể thao trong ngày thì ít quên hơn người không vận động. Theo các nhà nghiên cứu về lão khoa ở Hoa Kỳ, vận động trong ngày là điều kiện để bộ não không thiếu dưỡng khí trong đêm. Cũng không cần hình thức thái quá, nhẹ nhàng thôi, như đi bộ, bơi, chạy xe, khí công…, miễn là ngày nào cũng có.
    * Thiếu tập luyện:
    Muốn não “bén nhọn” như xưa mà không tập luyện chẳng khác nào chưa học bài. Chơi ô chữ, sudoku, học ngoại ngữ, vẽ tranh…, kiểu nào cũng tốt, càng nhiều cách giải trí càng hay, miễn là đừng ngồi yên mỗi ngày nhiều giờ trước máy truyền hình vì đó là hình thức tai hại cho bộ não.
    NHƯNG LẠI :
    * Thừa Stress:
    Bôi sạch bộ nhớ là một trong các phản ứng phụ của nội tiết tố nẩy sinh trong tình huống Stress.
    Biết vậy nên tìm cách pha loãng Stress bằng thể dục thể thao, thiền định, kiểu nào cũng được, miễn vui là chính. Thêm vào đó, đừng tự đầu độc cơ thể và bộ não bằng thuốc lá, rượu bia, thịt mỡ… Với bộ não “ngập rác” thì quên là cái chắc, vì đâu còn chỗ nào để nhớ!
    * Thừa chất oxy-hóa:
    Hàm lượng chất gây rỉ sét tế bào, sản sinh từ rối loạn biến dưỡng, độc chất trong môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá, độ cồn, phụ gia trong thực phẩm công nghệ, hóa chất trong dược phẩm… càng cao, tế bào não càng mau già trước tuổi. Cầm chân chất oxy-hóa bằng hoạt chất kháng oxy-hóa , vì do’ là biện pháp chinh’ để bộ nhớ đừng mau “hết đát”.
    Hãy đừng “đem não bỏ chợ” qua lối sống chẳng khác nào có thù sâu với não bộ.
    Nếu đối xử với não bạc bẽo thì đừng trách có lúc”có vay có trả “.
    BS Lương Lễ Hoàng .
  • CON ĐƯỜNG NÀO CHO EM !

    CON ĐƯỜNG NÀO CHO EM !

    Trong giòng chảy bộn bề của xã hội, với những xáo trộn khủng khiếp của dịch bệnh, khó khăn kinh tế và thiên tai nhân tai cuồn cuộn kéo đến, đã xua đi phần nào những lo lắng, hoang mang và bất lực khi mà những áp lực về cuộc sống hòa nhập vẫn đè nặng lên đôi vai của những bậc phụ huynh trẻ Đặc Biệt.

    Đã không ít người sau giai đoạn phát hiện những khó khăn về ngôn ngữ và giao tiếp, để đưa con đi can thiệp sớm, những tưởng sự bình yên sẽ dần dần đi vào nề nếp. Thế nhưng sau khi con đã khá hơn với những tiến bộ về nhận thức, hành vi để có thể bước vào cánh cửa của giáo dục hòa nhập , thì giờ đây dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, của áp lực học tập theo chương trình mới, các em không còn được hỗ trợ cho việc học một buổi, buổi chiều có thể tiếp tục các hoạt động can thiệp những gì còn yếu, chưa thật đáp ứng các yêu cầu của ngôi trường bình thường.  Các em phải nỗ lực hơn để có thể “chịu đựng” một áp lực học tập như một trẻ bình thường trong chương trình bán trú . Nếu muốn hưởng được những sự ưu đãi thì phải có giấy xác nhận tình trạng khuyết tật học tập của địa phương.

    Vấn đề là tùy vào nhà trường và tùy vào địa phương mà các em sẽ có được những cảm thông hay những hạn chế , thập chí có thể bị loai trừ mặc dù theo một kế hoạch của bộ GDĐT vào năm 2013 thì đến năm 2010 sẽ có khoảng 70% trẻ khuyết tật được đi học . Tuy nhiên, ai cũng biết sự khác biệt lớn lao giữa một trẻ khuyết tật về thể chất do các khiếm khuyết của giác quan, và một trẻ khuyết tật về trí tuệ với những hạn chế về nhận thức, ngôn ngữ, giao tiếp và hành vi.  Ngay trong  các dạng trẻ khuyết tật trí tuệ cũng có sự khác biệt giữa một trẻ chậm phát triển và một trẻ tự kỷ hay rối loạn phát triển. Trong khi đó để có thể tham gia trong hệ thống giáo dục chính thống với sự hỗ trợ về giáo dục, thì gia đình các em phải có được tờ giấy xác định khuyết tật căn cứ theo thông tư số 37/2012/TTLT ban hành ngày 28/12/2012 . Tuy nhiên, để có thể thành lập một Hội đồng thẩm định mức độ khuyết tật thì phải quy tụ đủ các thành phần quan chức, cơ quan , ban ngành, đoàn thể tại địa phương từ chủ tịch UBND Huyện/xã – Trưởng trạm Y tế cho đến cả chủ tịch hội PN hội cựu chiến binh, đoàn Thanh niên . Mà ai cũng biết hầu như rất khó có thể sắp xếp thời gian phù hợp để 8 thành viên có thể ngồi lại để đánh giá, xét duyệt .. trong khi lẽ ra chỉ cần một ông Y / bác sĩ trưởng trạm y tế và lẽ ra phải có được hai nhân vật cần thiết là một chuyên viên tâm lý lâm sàng và một chuyên viên giáo dục đặc biệt. Chính 2 nhân vật này mới có đủ trình độ chuyên môn để chẩn đoán xác định tình trạng khuyết tật hay rối loạn phát triển cho trẻ .

    Do đó, Phụ huynh lại phải chạy đến các bệnh viện, các trung tâm để chẩn đoán, đánh giá rồi sau đó mang các giấy tờ về địa phương để chờ đến ngày thành lập được hội đồng đánh giá và dĩ nhiên là tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa.  Thế nhưng, vấn đề không chỉ nằm ở đó, mà đặc biệt với các bạn có mức độ khuyết tật nhẹ, hay chính xác hơn là tình trạng nhận thức về học vấn kém hay có tình trạng khuyết tật học tập ( chỉ yếu kém một số môn hay khả năng đọc, viết, tính toán ) thì thực sự khó thuyết phục nổi “cảm nhận” của hội đồng thẩm định, trong khi đó với các bạn có mức độ nặng, khả năng thẩm định dễ hơn, thì có khi phụ huynh đã chấp nhận tình trạng con của mình, và yên tâm gửi các trung tâm giáo dục chuyên biệt,  đâu cần đến giấy chứng nhận khuyết tật làm gì ?

    Có nhiều em ở mức độ “chấp nhận” được, sau thời gian can thiệp có thể đi học hòa nhập ở lớp Một, nhưng khi đến lớp Hai hay lớp Bốn, Năm thì đuối sức, không thể theo được chương trình bình thường. Nếu muốn được nhà trường thông cảm, cho phép được học theo chế độ giảm nhẹ hay có giáo viên hỗ trợ, thì phải có giấy chứng nhận mức độ khuyết tật. Và đến đây..bi kịch xuất hiện, để cuối cùng có một cái kết thúc không ai mong muốn : Trẻ không theo học được ở trường bình thường, cũng không thể quay về trường chuyên biệt để can thiệp vì đã lớn tuổi cũng như với mức độ “nửa chừng xuân” ngoài một số kỹ thuật “can thiệp” trị liệu – còn cần đến các kiến thức về các bộ môn như Tiếng Việt , Toán và các môn Khoa học tự nhiên, nhưng lại phải được hướng dẫn riêng theo một số kỹ thuật đặc biệt. Điều này không phải trường chuyên biệt nào cũng có tổ chức các lớp như vậy, và cũng không có một đội ngũ có khả năng chuyển tải các kiến thức học đường bình thường nhưng một cách chuyên biệt cho các bạn “nửa hồn thương đau” này !

    Bởi vì, cho đến nay thì nhu cầu can thiệp sớm cho các trẻ có chẩn đoán tự kỷ hay chậm phát triển, tăng động kém chú ý vẫn còn rất nhiều, mà đại dịch Covid đợt I đã quét đi một số cơ sở tư nhân không đủ sức bám trụ , và nếu có thể tồn tại cũng phải chuyển đổi nhiều hình thức can thiệp. Do đó, các cơ sở chấp nhận các trẻ lớn, có mức độ rối loạn nhận thức, hành vi nhẹ và cần được hỗ trợ bằng các phương pháp Giáo dục tương đương với các lớp Ba, Bốn, Năm … chắc chắn là sẽ là thiểu số, thậm chí sẽ có nhiều địa phương không thể tổ chức được. Trong khi đó thì các cơ sở Giáo dục Đặc Biệt lại hết sức đa dạng và có những chênh lệch, khác biệt về năng lực, trình độ chuyên môn khá lớn.

    Chính sự đa dạng trong hoạt động giáo dục đặc biệt, vừa đáp ứng được nhu cầu xã hội, nhưng cũng vừa tạo là những khoảng trống, hay tình trạng “có đầu vào mà không có đầu ra” hoặc giải quyết các vấn nạn cho trẻ đặc biệt theo từng khúc – từng giai đoạn mà không có tính hệ thống, liên tục để có thể giúp cho một bạn có thể sau một quy trình can thiệp, dù ở mức độ nào cũng có thể có được một định hướng.

    Nói về định hướng, thì có thể thấy rõ có hai khuynh hướng ! Một là cố gắng tối đa để can thiệp tích cực trong giai đoạn can thiệp sớm ở lứa tuổi mẫu giáo, để có thể đưa trẻ vào hệ thống giáo dục hòa nhập. Khuynh hướng thứ hai là với các trẻ không thể hòa nhập thì cố gắng đưa các bạn ấy vào con đường hướng nghiệp bằng các nghề nghiệp lao động đơn giản. Đây là hai khuynh hướng chủ yếu được tiến hành trong hàng chục năm nay . Thế nhưng, dù hòa nhập hay hướng nghiệp, thì cũng đều bộc lộ những khó khăn chưa vượt qua được.

    Đối với khuynh hướng hòa nhập, như đã trình bầy ở trên, các em chỉ có thể đáp ứng được một hình thức giáo dục có chọn lọc, và giảm nhẹ các bộ môn không thiết yếu, đồng thời phải tăng cường thời gian hỗ trợ các kỹ năng sống để có thể thích nghi và tương tác được với môi trường xung quanh. Thế nhưng, với các chương trình giáo dục càng đổi mới, lại càng phức tạp và khó khăn mà ngay cả trẻ bình thường cũng đuối sức, học ngày học đêm, cả nhà học phụ mà cũng còn nhiều bất cập. Huống hồ gì một trẻ đặc biệt, có khi can thiệp chưa đi đến đâu, đã vội vàng “ném” vào môi trường hòa nhập và cuối cùng sau vài năm “vất vưởng” thì phải nói lời chia tay, không thể đáp ứng các tiêu chí ngày càng khó khăn của một nền giáo dục không có sự khoan dung và tôn trọng.

    Đối với giao dục hướng nghiệp, thì hầu như chỉ sau khi thất bại ở môi trường hòa nhập, thậm chí là bỏ cuộc một vài năm, rồi mới tìm đến một cơ sở giáo dục can thiệp đặc biệt nào đó với đề nghị, hướng nghiệp cho cháu đi ! Trong khi đó, nếu đánh giá  mức độ nhận thức và phát triển của các bạn này, thậm chí đã trên 10 tuổi sinh lý, thì tuổi tâm lý hay tuổi khôn của các bạn có khi chỉ ở mức 5, 6 tuổi …. Và như vậy thì hướng cái gì, có cái nghề gì có thể dạy cho trẻ 5, 6 tuổi với tâm lý thích thì làm, buồn hay bực thì nghỉ … Giáo viên hướng nghiệp cũng phải khóc thét với các thanh niên chưa qua tuổi nhi đồng này !

    Đó là chưa kể đến một nỗi niềm là có bao nhiêu cơ sở giáo dục hướng nghiệp cho trẻ đặc biệt có đủ các cơ sở vật chất, không gian và công cụ phù hợp cũng như có các giáo viên dạy nghề đáp ứng được hai tiêu chuẩn : Biết khả năng “can thiệp” và có năng lực nghề nghiệp tốt, có thể hướng dẫn các bạn này thực hành và tuân thủ các yêu cầu của từng loại nghề nghiệp khác nhau. Hầu như vẫn chỉ là những “hình thức’ mang tính cỡi ngựa xem hoa – hoặc chỉ loay hoay trong các nghề thủ công, mỹ nghệ mà khách hàng đa phần là mua để ủng hộ, để “làm phúc” với các “bé khuyết tật tội nghiệp” chứ ít có cơ sở nào dám ngẩn cao đầu với các mặt hàng “chất lượng cao” do các bạn VIP của mình thực hiện .  Vấn đề ở đây, không phải là không thể có, nhưng phải có những định hướng,tổ chức  rõ ràng và các biện pháp phối hợp với các nhân sự “chuyên nghiệp” trong lĩnh vực nghề nghiệp.

    Cuối cùng, vấn đề tìm một “con đường tình ta đi” lại không thuộc về đứa trẻ, mà lại là cách nhìn nhận của phụ huynh và của xã hội. Ngay cả với các trẻ có mức độ rối loạn phát triển nhẹ, thì khả năng hội nhập xã hội qua con đường học vấn cũng không phải là một con đường bằng phẳng. Những kiến thức học đường, nếu không có sự chọn lọc và kỹ thuật hướng dẫn hiệu quả, sẽ không có ích gì cho các em dù ta có tìm đủ mọi cách để nhồi nhét.  Hãy nhìn vào đội ngũ hùng hậu của các em sinh viên “cử nhân” đại học đang thất nghiệp hàng loạt, thậm chí phải dấu luôn cái bằng đại học để đi làm một công nhân, nếu không muốn gia nhập đội ngũ “làm cho hãng nước ngoài, được đi đây đi đó” Rõ ràng, con em của chúng ta dù có đẩy, có kéo, có hỗ trợ tối đa thì cũng lên tới lớp 6 hay lớp 9 là ‘hết cốt” mà vẫn chưa có được một kỹ năng nghề nghiệp ra hồn thì chắc chắn sẽ bước vào cái nghề “nhà báo” để báo cả nhà !

    Vì thế, với sức người có hạn của từng gia đình, cần có một sự tính toán bằng cái đầu lạnh chứ không phải chỉ với “trái tim nồng cháy yêu thương” để bất chấp những khó khăn “ không thể khắc phục” của các em, mà cứ mê mải đi tìm một “phương thuốc nhiệm màu” hay cứ đưa các em vào những cơ sở giáo dục chỉ làm được một việc là “giữ trẻ” với giá cao và quên mất hay lẫn tránh trách nhiệm hỗ trợ ở gia đình của bố mẹ!  Ngay cả các trường quốc tế, không phải trường nào cũng là một lối thoát an toàn cho các bạn, các bạn vào học năm thứ Nhất có thể thấy thoải mái, nhưng lần hồi càng lên cao thì áp lực càng cao, đặc biệt là áp lực về giao tiếp xã hội và thích nghi với môi trường đa văn hóa mà ngay cả trẻ bình thường nếu quá nhiều cảm xúc hay có tính hướng nội, cũng khó thích nghi kịp, để rồi lại bị cô lập trong một môi trường năng động, mà bố mẹ đã phải chấp nhận với một chi phí đầu tư không hề rẻ !  Đến một thời điểm nào đó, khi tình trạng đi đến mức độ “báo động” và nhà trường cũng không thể “nuốt được” để phải trả lại gia đình, thì lại phải đi tìm một cơ sở đếm trên đầu ngón tay để có thể giúp được cho con mình.

    Chấp nhận –chấp nhận và chỉ có chấp nhận ! Gia đình chấp nhận tình trạng của con em mình, nhà trường chấp nhận các kế hoạch giáo dục hòa nhập hiệu quả và xã hội chấp nhận những tồn tại, khiếm khuyết không thể vượt qua được để từ đó có được những biện pháp ứng xử phù hợp với năng lực của các em trong chính gia đình mình. Các cơ sở giáo dục cũng đừng đặt ra cái ước mơ hòa nhập bằng con đường học vấn như một cái bánh vẽ, để rồi đánh trống bỏ dùi, khiến cho các em nửa đường gãy gánh . Xã hội cũng phải có một cái nhìn khoan dung, chấp nhận các em như một thành phần hiện hữu để không có sự kỳ thị trong đối xử kiểu thương hại hay làm phúc . Nhất là cần có những tổ chức phù hợp hơn , thực tế hơn thay vì những khẩu hiệu, những tiêu chí và những kế hoạch chỉ có giá trị …truyền thông trên TV vào những ngày lễ hội. dành cho trẻ tự kỷ hay người khuyết tật, mỗi năm cờ đèn, kèn trống vài lần rồi …qua năm sau lại làm !

    Các em cần lắm sự định hướng trên một con đường, không phải là con đường hoa gấm hay chông gai, mà là con đường với những trải nghiệm đời thường một cách thực tế, với những kế hoạch cụ thể và đơn giản để được sự yêu thương thấu hiểu và tôn trọng,  như bất cứ một  đứa trẻ bình thường nào trong xã hội !. .

    Lê Khanh .- TT Diệp Quang

     

  • THIỀN VÀ THỞ

    THIỀN VÀ THỞ

    . Sức khỏe là chuyện của mọi người. Đời sống càng tiện nghi, nhu cầu vật chất càng cao thì con người càng xa lạ với tự nhiên, với chính mình. Stress chính là nguyên nhân của 60-90% bệnh lý đưa người ta đến bác sĩ. Mà bác sĩ thì chỉ chữa được cái đau chứ không chữa được cái khổ, chữa được cái bệnh, chứ không chữa được cái hoạn.

    Thiền có thể góp phần giải quyết căn cơ. Nhưng thiền là gì? Cách nào?

    Hãy bắt đầu từ việc đơn giản nhất mà cốt lõi nhất: Đó là Thở. Và là Thở bụng.  Cứ nhìn một em bé đang ngủ say mà xem! Chỉ có cái bụng là phình lên xẹp xuống, còn cái ngực thì im re. Thật vậy, khi cái ngực mà khò khè, thì đã bị bệnh rồi. Nói khác đi, cách thở sinh lý, thở thiên nhiên, thở bình thường nhất chính là thở bụng. Người khỏe thì luôn thở bụng nên thở bụng làm cho ta khỏe. “Bí quyết” nằm ở chỗ đơn giản nhất đó. Các phương pháp khí công, dưỡng sinh, yoga, thiền đều bắt đầu bằng tập thở bụng.

    Tại sao phải tập? Bởi không biết tự lúc nào con người lại xa rời cái nguồn gốc tự nhiên của mình, bày ra thở ngực, thay vì ăn những thức ăn lành mạnh sẵn có trong thiên nhiên thì bày đặt chế biến đủ kiểu ! Do  vậy, thở phải được rèn tập trở lại. Về sinh lý, cơ hô hấp chính của ta là cơ hoành, cơ vắt ngang giữa bụng và ngực chớ không phải cơ gian sườn hay cơ cổ. Khi các cơ gian sườn, cơ cổ mà ráng sức phì phò thì đã bệnh rồi!

    Có một sự nhất quán, xuyên suốt trong lời dạy thiền định của Phật, đó là THỞ. Kinh viết “Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra. Thở vào dài thì biết thở vào dài, thở ra ngắn thì biết thở ra ngắn…”. Tóm lại, là luôn quán sát hơi thở, đặt niệm (nhớ, nghĩ) vào hơi thở. Chỉ có vậy. Nhưng khi đọc câu “Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra…” có thể gây nhầm lẫn, bởi ai mà chả biết thở cơ chứ! Thế nhưng ở đây không phải là biết thở, mà là nhận thức được cái sự thở,. Đó mới là điều cốt lõi! Nhận thức, ý thức, cảm nhận, ấy chính là niệm (nhớ), là quán ( quan sát, suy tưởng) về sự thở, về hơi thở. Nhờ đó mà một mặt, ta giải thoát tâm ta khỏi những vướng mắc lăng xăng, một mặt ta nhận ra ý nghĩa cuộc sống và từ đó, buông bỏ bao nỗi lo toan, sợ hãi của kiếp nhân sinh để có cuộc sống có sức khỏe và hạnh phúc.

    Câu hỏi đặt ra là tại sao quán sát hơi thở? Quán sát hơi thở thì có gì hay? quán sát hơi thở thì có điều kiện để thấy “ngũ uẩn giai không” hơn, tức thấy vô ngã hơn. Vô ngã ở đây không còn là một ý niệm, một khái niệm mà là một trạng thái. Để thấy “vô ngã” thì tốt nhất là quán sát từ “ngã”, từ hơi thở là tốt nhất, một đối tượng sẵn có ngay trong bản thân mình. Hơi thở dễ quan sát nhất vì nó nằm ngay trước mắt mũi mình, Lúc nào cũng phải thở. Ở đâu cũng phải thở. Cái hay nữa là quán sát nó thì không ai nhìn thấy, chỉ riêng ta biết với ta thôi!

    Mỗi phút lại phải thở cả chục lần. Lúc mau lúc chậm, lúc ngắn lúc dài, lúc phì phò lúc êm dịu. Hơi thở lại rất nhạy với cảm xúc. Trước một cảnh đẹp, ta “nín thở”. Lúc lo âu, ta hổn hển. Lúc sảng khoái ta lâng lâng. Lúc sợ hãi, hồi hộp ta thở nhiều kiểu khác nhau, muôn hình vạn trạng. Và nhờ đó mà thấy vô thường. Nhờ đó mà ta quán sát được cái tâm ta. Thở cũng gắn với các hoạt động cơ bắp. Khi mệt, ta mệt “bở hơi tai”, khi khỏe, ta thở nhẹ nhàng sảng khoái!  Rõ ràng chỉ có hơi thở mới là một sợi dây nhạy cảm buộc vào thân vào tâm, là cái cầu nối giữa thân và tâm. Không chỉ thế, thở còn vừa là ý thức, vừa là vô thức. Như không cần ta. Như ở ngoài ta. Như không có ta. Quan sát thở, ta còn có dịp đào sâu xuống…vô thức. Ta thấy thở gắn với sự sống chết của kiếp người. Còn sống là còn thở, chết là hết thở, là tắt thở, là ngừng thở. Để ý một chút ta sẽ thấy đời người thực ra chỉ là… một hơi thở! Khi chào đời em bé khóc thét lên một tiếng thật to để hít mạnh không khí vào phổi để rồi khi lìa đời, cụ già lại thở hắt ra một cái, trả lại
    cho đời tất cả những gì mình đã vay mượn! Giữa hai lần thở vào thở ra đó là những đợt thở… lăn tăn như những làn sóng nhỏ, mà nối kết các làn sóng nhỏ lăn tăn đó lại với nhau ta có cuộc rong chơi trong cõi “Ta bà”! Mỗi hơi thở vào ra trung bình khoảng 5-10 giây. Mỗi giây, trong cơ thể con người đã có hằng trăm triệu tế bào hồng cầu bị hủy diệt và hằng trăm triệu hồng cầu khác được sản sinh. Quán sát hơi thở do đó ta thấy đựơc sự sinh diệt

    Thở có thể làm chuyển biến tâm trạng ta, chuyển hóa cảm xúc ta, cả hành vi ta nữa. Đang sôi giận mà kịp nhớ lại, quán sát sự thở của mình thấy nó phập phều kỳ cục, bèn quên giận mà hơi thở được điều hoà trở lại lúc nào không hay: điểm hưng phấn trên vỏ não đã bị dịch chuyển! Nói khác đi, ta có thể dùng cách quán sát hơi thở để tự kiểm sóat cảm xúc và hành vi của mình. Quán sát hơi thở cũng lôi kéo ta trở về hiện tại tức khắc- không còn đắm mình trong dĩ vãng hay tương lai. Bởi vì thở là thở trong hiện tại. Ở đây và bây giờ . Giận dữ , lo âu, sợ hãi tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Cho nên những lúc đó ta dễ cảm thấy kiệt sức! Ngủ là một cách giảm tiêu hao năng
    lượng, nhưng vẫn còn co cơ, vẫn còn chiêm bao. Một đêm ác mộng sẽ thấy bải hoải toàn thân khi thức giấc!Thiền giúp tiết giảm tiêu thụ năng lượng một cách đáng kể, còn hơn cả giấc ngủ. Một khi cơ thể giảm tiêu thụ năng lượng thì các tế bào được nghỉ ngơi, nên toàn thân cảm thấy
    thấy nhẹ nhàng sảng khoái.

    Phổi ta như một cái máy bơm, “phình xẹp” để đưa khí vào ra là nhờ có áp suất thay đổi. Khi áp suất âm trong phổi và các phế nang thì khí bên ngoài tự động lùa vào, tuôn vào, lấp đầy phổi và các phế nang, cho đến một lúc lượng khí bên trong đầy dần lên thì chuyển sang áp suất dương, phổi sẽ đẩy khí ra. Có một thời điểm áp suất cân bằng nhau, hay nói cách khác, áp suất bằng không (0=zéro), thì khí bên trong cơ thể và bên ngoài vũ trụ chan hòa thành một, không phân biệt. Đó chính là quãng lặng. Quãng lặng đó ở cuối thì thở ra – trước khi thở vào trở lại – thường kéo dài, thong dong, nhẹ nhàng, yên tịnh, vì không hề tốn năng lượng. Như chim lượn bay, không phải vỗ cánh, như xe ngon trớn chạy ở số không, không tốn nhiên liệu! Đó chính là giai đoạn “Prana”. Pra có nghĩa là trước và Ana là thở vào ( trước thì thở vào cũng có nghĩa là sau thì thở ra). Prana đã được biết đến từ xa xưa. Yoga, khícông, cũng như y học Đông phương nói chung đã nói đến Prana từ thời cổ đại. Trong yoga có “pranayama” là kiểm soát hơi thở. Trong thiền định, không còn phải là vấn đề kiểm soát hơi thở nữa mà hơi thở sẽ tự kiểm soát! Đến một lúc nào đó, khi vào sâu trong thiền định, hành giả sẽ không cảm nhận mình thở nữa. Hơi thở nhẹ gần như ngưng bặt. An tịnh. Hòa tan.

    Có thể nói đến một phương pháp thiền tập- tạm gọi là “Pranasati” chăng?- tức đặt “niệm” vào quãng lặng, và thực chất cũng không còn cả niệm, một sự “vô niệm” hoàn toàn chăng? Những hành giả giàu kinh nghiệm \ cho biết có thể vào định ngay hơi thở đầu tiên có lẽ nhờ rèn tập mà khoảng lặng ngày càng dài ra, mênh mông ra như không còn biên giới, như hòa tan vào hư không, lắng đọng, thanh thoát. Lúc đó không còn ý niệm về không gian, thời gian, về ta, về người… Tiến trình hô hấp vẫn diễn ra, sâu trong các tế bào, nhưng ở mức thấp nhất, nhẹ nhàng nhất, tiêu thụ năng lượng tối thiểu và do vậy nhu cầu sản xuất năng lượng không còn đòi hỏi nữa, các tế bào ở trong trạng thái hoàn toàn tĩnh lặng, “nghỉ ngơi”!


    Khi nói đến thiền, ta thường nghĩ ngay đến ngồi: ngồi thiền. Rồi nào kiết già, bán già, hết sức phức tạp và bí hiểm như chỉ dành riêng cho một giới nào đó. Thiền thực ra không nhất thiết phải ngồi, không nhất thiết phải kiết già, bán già. Đi đứng nằm ngồi gì cũng thiền được. Người Nhật, người Tây Tạng có cách “ngồi” thiền riêng của họ, người Tây phương có cách khác hơn, miễn sao có một tư thế thoải mái, dễ chịu là được. Thế nhưng cách ngồi tréo chân (kiết già, bán già) lại có lợi ích hơn cả. Tại sao? Tại vì khi ta đứng, ta đi, các bắp cơ phía trước của hai chân phải co lại để nâng đỡ cả thân mình, trong khi các bắp cơ phía sau thì duỗi ra. Lúc ngồi tréo chân ta đã làm cho hoạt động các bắp cơ đổi chiều. Đây là phương pháp “đối chứng trị liệu”. Khi đi bộ lâu, mỏi chân, ta ngồi xuống, xếp bằng và hít thở một lúc sẽ thấy hai chân bớt mỏi rất nhanh. Cơ nào đã duỗi lâu thì được co lại, cơ nào đã co lâu thì được duỗi ra! Thiền hay yoga do vậy khai thác kỹ thuật này để trị liệu rất có hiệu quả sự mỏi mệt, không kể ngồi theo cách này cũng giúp làm giảm sự tiêu thụ oxy đáng kể!

    Giữ lưng thẳng đứng cũng là một yêu cầu vô cùng quan trọng trong thiền. Ta dễ có khuynh hướng chiều theo độ cong tự nhiên của cột sống dưới sức nặng của thân thể do trọng lực- và nhất là do tuổi tác- dễ dẫn đến cong vẹo cột sống hoặc đau cột sống cổ, đau thắt lưng. Ở tuổi trung niên nhiều người đã bị những cơn đau dữ dội đến phát khóc. Đó là những cơn đau cấp tính, nếu nghỉ ngơi hoàn toàn và uống thuốc theo toa bác sĩ chừng mươi ngày sẽ khỏi, nhưng không khỏi hẳn, dễ tái phát do tư thế chưa được điều chỉnh. Bởi nguồn gốc sâu xa hơn của đau cột sống, đau thắt lưng lại là do stress, nếp sống căng thẳng phải chịu đựng, dồn nén lâu ngày. Cơn đau là tiếng chuông báo động để ta “tỉnh ngộ”! Một người cúi gầm suốt ngày trước máy vi tính hay tivi thì sớm muộn cũng bị hội chứng về cột sống. Một người đi chùa lạy Phật mà tư thế không đúng thì lâu ngày cũng bị đau cột sống như vậy! Nhất là khi đã có tuổi, cột sống có khuynh hướng cứng lại, mất đàn hồi, các lớp sụn độn giữa hai đốt sống dễ bị bẹp, có khi “xì” ra một bên, chèn ép gây đau. Do vậy, giữ lưng thẳng đứng trong lúc ngồi thiền là điều cần thiết. Kết hợp với tập thể dụng bụng, có nghĩa là tập cho thắt lưng được dẻo dai, cũng sẽ làm chậm tiến trình lão hóa.

    Trong thiền, một yếu tố rất quyết định nữa là sự thả lỏng toàn thân,“buông xả” toàn thân, mà có người ví như thả trôi theo dòng nước.  Thả lỏng toàn thân là cách làm cho toàn thân như rủ xuống, xẹp xuống không còn căng cứng nữa! Có thể nói cơ thể ta như chỉ gồm có hai thành phần: “thân xác” và “thân hơi”. Thả lỏng là “xì” cho xẹp cái thân hơi đó- mà tiếng Việt ta có một từ rất hay là “xả hơi”! Khi quá mệt, quá căng thẳng thì ta cần “xả hơi”! Khi đó, không một bộ phận nào của cơ thể còn phải căng nữa, phải gồng nữa, kể cả vỏ não. Tiêu hao năng lượng cho trương lực cơ và hoạt động của vỏ não sẽ giảm thấp nhất có thể được. Y học chứng minh tiêu hao năng lượng trong thiền rất thấp, dưới mức chuyển hóa cơ bản, thấp hơn cả khi ngủ, nhờ vậy mà năng lượng được tích lũy tốt hơn, giúp chữa nhiều thứ bệnh hoạn một cách hiệu quả.

    Cơ thể ta có khoảng trăm ngàn tỷ tế bào. Mỗi tế bào thực chất là một “sinh vật” háo ăn, háo làm, háo tiêu thụ oxy ( để kết hợp với thức ăn qua những phản ứng gọi là oxyt-hóa) nhằm tạo ra năng lượng cho cơ thể hoạt động. Nhưng oxyt-hóa càng mạnh thì càng tạo thêm các gốc tự do và các chất… bã, làm cho cơ thể mau mệt mỏi, mau già nua! Giống như một thanh sắt để ngoài nắng gió một thời gian sẽ bị oxyt-hóa thành rỉ sét ngay. Khi cơ thể có cách nào làm giảm tiêu thụ năng lượng không cần thiết thì các tế bào cũng sẽ được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Khi cơ thể đã chùng xuống, đã giãn cơ, tức giảm tiêu hao năng lượng một cách đáng kể rồi thì cũng sẽ thấy bớt cần thiết phải cung cấp các dưỡng chất qua thức ăn (bột, đạm, dầu mỡ)… vốn là nguồn tạo năng lượng! Ăn ít mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng thì cơ thể đỡ vất vả, các tế bào đỡ hùng hục làm việc, tinh thần sẽ sảng khoái. Các nghiên cứu trên sinh vật bị cho nhịn đói vừa phải thấy sống lâu hơn và trẻ lâu hơn!

    Các nghiên cứu y sinh học cho thấy các nhà sư có thể làm giảm nhu cầu oxygen đến 40% trong lúc thiền. Lúc đầu các nhà khoa học nghĩ thiền chắc cũng giống như ngủ hay nghỉ ngơi tích cực, nhưng thật ra khác hẳn! Thiền khoảng 30-40 phút thì mức lactate trong động mạch  giảm, phenylalanine tăng 20%, giảm các họat động hệ giao cảm trên bề mặt da, giảm nhịp tim và hô hấp đáng kể.  Cortisol và ACTH cũng giảm, do đó, không bị stress; trong khi Arginine và Vasopressin, được coi là có vai trò trong học tập và trí nhớ gia tăng đáng kể. Nhiều nghiên cứu ngày càng sâu hơn về beta-endorphin, corticotropin, melatonin, DHEA… hứa hẹn giải thích cơ chế tác dụng của thiền trên nhiều mặt trong tương lai.

    Những năm gần đây, nhờ có các phương tiện như PET (positron emission tomography) hay SPECT (single photon emission tomography) và FMRI (functional magnetic resonance imaging) để đo hoạt động tưới máu não, cho thấy một số vùng được tưới nhiều hơn vùng khác, chứng minh thiền khác với giấc ngủ, mà đó là một trạng thái tỉnh giác an tịnh (state of restful alertness). Kỹ thuật fMRI cho thấy hoạt động tưới máu não gia tăng ở vùng liên quan đến sự chú ý (vùng lateral prefrontal và parietal), cũng như gia tăng ở vùng kiểm soát tự động, tỉnh thức  Nhưng nói chung, tưới máu não trong thời gian thiền rõ ràng là giảm một cách đáng kể, chỉ tập trung vào một số vùng nhất định đã nêu trên. Điều này cho thấy thiền giả không tiêu hao nhiều năng lựơng cho các hoạt động vỏ não.

    Các nghiên cứu về sinh lý học trong thiền vẫn còn đang tiếp tục nhưng  rõ ràng thiền có khả năng làm giảm stress, giảm huyết áp và tạo sự sảng khoái, là yếu tố của sức khỏe, của chất lượng cuộc sống. Thiền ngày càng trở nên một kỹ thuật trị liệu hiệu quả trong y sinh học, nhất là lĩnh vực tâm lý trị liệu, nên đã có nhiều ứng dụng thực tiễn trong y khoa.

    Nghiên cứu về lâm sàng cho thấy thiền giúp giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân, giảm lo âu, trầm cảm, giảm 50% các triệu chứng tâm thần nói chung. Người hành thiền hơn 5 năm có tuổi già sinh lý trẻ hơn 12 năm so với người cùng tuổi, dựa trên 3 yếu tố là huyết áp, khả năng điềutiết nhìn gần của thị giác và khả năng phân biệt của thính giác. Học  sinh cấp 2 có thực tập thiền trên 2 tháng, có kết quả học tập tốt hơn, có khả năng tập trung, thói quen làm việc, cải thiện hành vi (giảm xung đột, hung hăng), tự tin hơn, có khả năng hợp tác và quan hệ tốt hơn với người khác. Thiền giúp làm giảm cân, giảm béo phì, giảm nghiện thuốc lá, rượu, các chất ma túy nói chung.

    Bầu khí quyển chúng ta thở hôm nay so với cách đây 700 triệu năm – tức là khi có những sinh vật đơn bào đầu tiên trên trái đất- thì cũng  chẳng khác biệt! Với người anh em đơn bào đó thì ta cũng đang cùng hút chung một bầu khí, cùng bú chung một “núm vú” vũ trụ, cùng với muôn loài khác nữa! Các sinh vật cùng chia sẻ một cách…bình đẳng, không phân biệt và theo nhu cầu như vậy. Ta hút lấy oxy của không khí, lại tạo ra carbonic; trong khi cây cỏ hút carbonic lại tạo ra oxy. Con thằn lằn, con tắc kè, con ễnh ương… cũng phình ra xẹp vào như ta vậy. Bầu khí quyển vẫn không thay đổi, không thêm bớt. Nhưng chính con người có thể làm hại môi trường sống của mình mà không hay nếu cứ theo đà hủy diệt sự sống của thiên nhiên và muôn loài trên hành tinh xanh này!  Hãy nương tựa chính mình. Bởi nói cho cùng, ai có thể “thở” giùm ai?
    Ai có thể “thiền” giùm ai?

    Bác Sỹ Đỗ Hồng Ngọc .

  • Từ Hội chứng Con cưng đến tính cách Gia trưởng.

    Từ Hội chứng Con cưng đến tính cách Gia trưởng.

    Chuyện đứa trẻ được cả nhà cưng chiều trở thành ông vua con trong nhà, được các nhà chuyên môn gọi là hội chứng con cưng – là tình trạng không xa lạ trong xã hội Việt Nam. Mặc dù cũng có nhiều ông gia trưởng không xuất thân từ hàng ngũ “con cưng” bởi vì cái tính khí đó đã là một bản chất bẩm sinh, nhưng từ những “rối nhiễu tâm lý” do hội chứng này gây ra khiến cho nhiều trẻ nam khi lớn lên thành một người đàn ông có tính gia trưởng là điều xem ra khá đúng …quy trình.

    Cho đến nay, dù nữ quyền có được đề cao và người phụ nữ đã trở nên độc lập, tự chủ hơn và cũng không thiếu các “nữ gia trưởng” mà các ông chồng sợ chết khiếp. Nhưng Tinh cách gia trưởng, độc đoán ở người chồng vẫn còn là một điều khá phổ biến trong xã hội chúng ta vì tinh thần “trọng nam khinh nữ” vẫn còn phổ biến trong nhiều gia đình và cả trong các tổ chức xã hội.

    Cũng như hội chứng con cưng hay con vua, đã mang đến cho trẻ những phiền toái, khó khăn trong khả năng giao tiếp, ngôn ngữ và dần dà với thời gian, những điều đó đã khiến cho trẻ trở thành một cậu thiếu niên ích kỷ, kém thích nghi, có nhiều đòi hỏi và cả những ảo tưởng về năng lực bản thân, cũng như rất dễ rơi vào những thú vui thấp kém thậm chí là bệnh trầm cảm. Thì tính cách gia trưởng cũng đẩy người đàn ông vào hoàn cảnh bất lợi, dễ đưa đến những mâu thuẫn, khủng hoảng trong cuộc sống gia đình và có thể đi đến những rạn nứt không thể hàn gắn trong các mối quan hệ giữa vợ chồng hay giữa bố mẹ và con cái.

    Một hiểu lầm không hề nhẹ, là có người cho rằng chứng tự kỷ ở trẻ em và hội chứng con cưng là một. Đây cũng là một quan điểm sai lầm dễ hiểu khi có nhiều trẻ do chậm nói, có những hành vi không phù hợp, kém khả năng giao tiếp đồng thời cũng là một “cục cưng” trong nhà. Đến khi mang đi đánh giả, chẩn đoán thì lại “lòi ra” cái chứng Tự kỷ ! Nhưng rõ ràng, nhiều trẻ tự kỷ không  biết đòi hỏi, yêu sách như đứa trẻ được cưng chiều mà chỉ có sự thu mình và rối loạn giao tiếp. Có điều, việc “làm thay” cho con, đáp ứng ngay và luôn mọi yêu cầu mà trẻ không cần nói ra, giống như một “ông vua con” chỉ cần liếc mắt là cả nhà nháo nhào lên để phục vụ, thì lại là một sự cản ngại không hề nhỏ trong tiến trình can thiệp cho một bạn VIP !

    Việc đáp ứng quá nhanh, chăm sóc tận răng và “che chắn” cho trẻ trước mọi thử thách cũng như việc thờ ơ bỏ mặc không quan tâm đến con như kiểu “bà mẹ tủ lạnh” đều là những nguy cơ khiến cho trẻ có yếu tố tự kỷ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc xây dựng các mối tương tác với những người xung quanh –  trog khi đây lại là yếu tố quan trọng để trẻ trở nên ổn định và thích nghi hơn.

    Trẻ tự kỷ hay chậm nói, có tình trạng tăng động kém chú ý, hay chậm phát triển trí tuệ là những tính chất bẩm sinh, ngay từ khi sinh ra đã có các yếu tố rối loạn phát triển này rồi. Đến giai đoạn phát triển về ngôn ngữ và hành vi từ 1 tuổi đến 3 tuổi, thì các khó khăn đó mới lộ ra một cách rõ ràng, điều này khiến cho nhiều bà mẹ cho rằng, con mình sinh ra là bình thường , khi lớn lên mới mắc “bệnh tự kỷ” hay chứng tăng động trong tiến trình phát triển ở giai đoạn này.  Đặc biệt là việc cho xem TV hay chơi điện thoại quá sớm và quá nhiều, cũng có người cho rằng đó là nguyên nhân gây ra tình trạng chậm nói hay chứng tự kỷ. Khi được cảnh báo thì lập tức cắt luôn, không cho xem nữa và nghĩ rằng chắc là trẻ sẽ có thể “hồi phục” về ngôn ngữ, giao tiếp ! Hay đơn giản hơn, là cho trẻ đi cắt thắng lưỡi ( dây chằng phía dưới lưỡi ) và cho rằng, đó là nguyên nhân gây chậm nói, chỉ cần cắt là trẻ có thể nói lại – Đó là những nhận định không chính xác . Bởi vì  việc tập nói cho trẻ không đơn giản và sẽ mất rất nhiều thời gian với các kỹ thuật khác nhau và phải được áp dụng một cách đúng đắn.

    Điều này tương tự như với tình trạng gia trưởng ở người chồng hay ông bố , nếu không biết “phát hiện sớm và can thiệp sớm”, để đến khi “ván đã đóng thuyền, gạo đã thành cơm” và người hùng của lòng em đã hiện nguyên hình là một “ông vua “ không ngai trong gia đình, nhất là khi xem lại tiền sử thì  trước kia anh ấy cũng đã từng là một ông vua con trong gia đình ! Thì người phụ nữ thường phải cúi đầu chịu trận hoặc sẽ đến một lúc đành phải “bỏ của chạy lấy người” bởi vì các “liệu pháp can thiệp” nếu không đủ mạnh, sớm  và lâu dài thì sẽ không thể khiến cho “ông vua” ấy chịu từ bỏ ngai vàng!

    Chính vì thế, trong thời gian quen biết sơ giao, nếu có cơ hội tìm hiểu về “tình yêu của em” thì hãy xem xét thái độ của anh ấy đối xử với bố mẹ, và chính trong cách ứng xử với người yêu, nếu có những “di chứng” của họi chứng con cưng hay những biểu hiện về quyền lực độc đoán  thì tam thập lục kế là tốt nhất !

    Trong việc can thiệp sớm cho một trẻ chậm nói, có yếu tố tự kỷ thì tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ – nếu được dẫn đường bằng lý trí, để không quá chiều chuộng con mình, mà có những tác động phù hợp, có tính khoa học và chuyên môn đúng,   thì  có thể cải thiện được rất nhiều, thậm chí ngay cả “hội chứng con cưng” cũng có thể giảm thiểu hay chấm dứt sau một thời gian can thiệp.  Thế nhưng, với tính cách gia trưởng, thì việc “can thiệp uốn nắn hành vi” có thể là một hành trình vô vọng !  Có nhiều người, sau một thời gian yêu nhau, đã bộc lộ tính cách gia trưởng, độc đoán…Thế nhưng khi đứng trước yêu cầu của người yêu bé bỏng, thì đã hứa hẹn trước mọi đấng “thần linh” là sẽ thay đổi, sẽ “phục vụ” mọi yêu cầu, mọi lúc mọi nơi … Hay luôn miệng xin lỗi về những hành vi thái quá và độc đoán. Thế nhưng, đó chỉ là những lời hứa “cá trê chui ống” thậm chí có thể  giữ được trong  một thời gian ngắn, đến khi có một vấn đề gì đó xẩy ra, thì “vị gia trưởng” lập tức lại tái hiện nhanh như chớp!

    Với một đứa con đặc biệt, dù có khó khăn cỡ nào, thì người mẹ cũng khó có thể bỏ được, vì đó là máu mủ của bà, đó là tình yêu và cũng là sức mạnh để bà vượt qua muôn trùng sóng gió trong cuộc sống, bà sẵn sàng đạp lên mọi thị phi, kỳ thị để bao bọc và lo lắng cho con. Còn với một ông chồng gia trưởng, thì càng yêu thương, càng chấp nhận, càng chịu đựng thì đừng bao giờ hy vọng, với sự hy sinh và nhẫn nhục của mình có thể khiến “anh ấy” hồi tâm, để có thể trở lại là một người chồng đúng nghĩa.

    Tình yêu là sự tôn trọng chứ không chỉ là sự hy sinh hay nhẫn nhịn. Từ những ông vua con trong gia đình,có hội chứng con cưng  cho đến các ông vua không ngai với “hội chứng gia trưởng” thì phải làm  cho các ông vua này biết tôn trọng người mẹ và người vợ của mình, bằng những chiến thuật phù hợp. Đã từng có những người con đánh đập, mắng nhiếc mẹ – và không thiếu những người chồng bạo hành người cùng giường với mình. Với các bạn ấy, khi sự tôn trọng không còn, thì không có một sức mạnh nào có thể khiến cho họ quy phục. Và chuyện cao chạy xa bay  là hành động tất yếu. Hãy biết quý trọng chính bản thân mình trong các mối quan hệ gia đình, nếu mình không quý trọng mình, thì ai sẽ có thể quý trọng mình ? Nhưng người phụ nữ  phải biết trở thành một người vợ với tất cả giá trị của nó, chứ không phải lại trở thành một bà chủ quyền lực hay cô o sin đa năng, phục vụ “ông chủ” từ nhà bếp đến phòng ngủ một cách vô điều kiện !

    Lê Khanh

     

  • Làm gì khi con gây ” Tội” !

    Làm gì khi con gây ” Tội” !

    Để hai anh em ở nhà tự trông nhau, bà mẹ chết lặng khi xem được clip cậu anh bắt cô em làm hành động nhạy cảm

    Mới đây, một bà mẹ (giấu tên) đã chia sẻ lại một câu chuyện không hay xảy ra trong chính gia đình mình. Mọi việc gây sốc đến mức, chị hoang mang, đau khổ, không biết phải giải quyết ra sao và cầu cứu các chuyên gia tâm lý trợ giúp.

    Chia sẻ của bà mẹ này cụ thể như sau

    “Em hiện có hai con nhỏ: bé trai 13 tuổi còn bé gái 7 tuổi. Thời gian nghỉ dịch vừa rồi hai cháu phải tự ở nhà trông nhau do bố mẹ đi làm cả ngày. Em cho các cháu dùng điện thoại và internet để liên lạc với bố mẹ và học online. Chắc cũng vì quá tin tưởng vào anh trai lớn có thể trông em và em gái cũng có thế tự lo được cho mình.

    Vừa rồi điện thoại của anh trai bị hỏng, sau khi mang đi sửa em phát hiện ra trong phần lưu ảnh có mấy clip quay lại. Em đã bị sốc khi xem, đó là cảnh cậu anh bắt cô em làm trò người lớn cho mình bằng miệng. Em hoang mang, hoảng sợ và đau đớn tột cùng khi nhìn thấy clip ấy. Thật sự em không thể ngờ mình luôn để phòng với những nguy hiểm, những xấu xa bên ngoài mà quên đi khó khăn trong chính gia đình mình.

    Em gọi từng bé vào phòng nói chuyện riêng và được biết chuyện đã xảy ra 2 lần. Vì muốn các bé hiểu được việc làm này là không thể và không được phép nên em chỉ giải thích, không phạt hay mắng. Cậu anh trai thì nhận lỗi và bảo con cũng ân hận. Nhưng từ hôm phát hiện ra em cảm thấy mình luôn cáu gắt, tức giận với cậu anh và cảm giác ân hận, chán ghét gia đình. Bởi mình đã không bảo vệ được các bé nhất là với bé gái.

    Bây giờ em mong nhận được lời khuyên. Em phải làm gì, phải cư xử như nào và phải đối mặt với chuyện này ra sao? Em cần phải làm gì để có thể bù đắp, chỉ bảo và đồng hành cùng các bé trong thời gian tới?”.

    Chuyên gia tâm lý Lê Khanh: Chúng ta phải giúp trẻ nhìn nhận đó là những “tai nạn”

    Trước sự việc xảy ra đối với gia đình bà mẹ này, chuyên gia Tâm lý trẻ em Lê Khanh, hiện là Giám đốc trung tâm Giáo dục đặc biệt Diệp Quang An Giang (TP.HCM) đã có những nhận định, tư vấn như sau:

    Khi trẻ bước vào lứa tuổi tiền dậy thì mà có các hành vi tính dục “như người lớn” thì trước hết – không nên quá lo lắng, bi quan và nghĩ rằng đó là một “tội lỗi” vi phạm đạo đức nghiêm trọng. Cũng không nên có những cảm xúc tiêu cực như hoảng sợ, đau đớn vì không ngờ đứa con “yêu quý” và “trong sạch” của mình lại có thể làm những hành vi vô đạo đức đến như thế!

    Trong rất nhiều trường hợp, người lớn luôn lấy cái chuẩn mực của một người lớn “có giáo dục và đạo đức” để phán xét những hành vi của trẻ em, mà điều đó sẽ gây tổn thương cho chính bố mẹ nhiều hơn con của mình.

    Chúng ta nên biết giữa thế giới “nhận thức – suy nghĩ” của người lớn và thế giới “nhận thức – suy nghĩ” của trẻ em dưới 18 tuổi, nhất là trong phạm vi từ 10 – 14 tuổi tuy không có một ranh giới rõ ràng nhưng rất khác biệt. Đó là ý chí hay ý thức đạo đức và các hoạt động theo cảm xúc.

    Hầu hết các em không có ý chí hay ý thức đạo đức như người lớn. Trẻ thừa nhận sự vi phạm của mình dựa theo chính những lời buộc tội của người lớn. Trẻ cũng sẵn sàng xin lỗi theo yêu cầu mà không biết tự lên án bản thân và nhất là tự điều chỉnh các “tội lỗi” của mình hay hạ quyết tâm từ bỏ như người lớn. Thực ra cũng có những trẻ có ý thức và cũng không thiếu người lớn lại không có sự quyết tâm, nhưng đó là cá biệt.

    Cũng có những đứa trẻ biết xấu hổ khi vi phạm những giá trị đạo đức như lấy trộm tiền, xem lén các hình ảnh “tươi mát” hay thực hiện các hoạt động tình dục của người lớn. Nhưng sự xấu hổ này khác nỗi xấu hổ của người lớn. Thực ra đó là sự lo lắng trước những phản ứng của người lớn chứ không phải là sự hối hận!

    Trẻ chỉ cho rằng mình có lỗi vì những điều đó là sự cấm đoán, mà vì tò mò nên mình vi phạm. Trẻ có thể xin lỗi rất chân thành nhưng cũng dễ dàng tái phạm một cách tư nhiên, rồi sau đó lại tiếp tục nhận lỗi và xin lỗi.

    Hiểu như thế để bố mẹ không nên quan trọng hóa vấn đề – như kiểu suy luận lúc bé ăn cắp một quả trứng thì lớn lên có thể lấy trộm một con bò. Hay lúc nhỏ trẻ hay nói dối thì lớn lên sẽ thành người xảo quyệt và vì thể bắt buộc trẻ không được nói dối, rồi trừng phạt nặng nề để cho chừa.

    Những hành vi xấu xa, tội lỗi của một con người không đơn giản. Có nhiều người có một tuổi trẻ thuần lương, nhưng lớn lên vẫn vi phạm những tội lỗi, sai lầm trong ứng xử. Điều này do tính tham lam, ích kỷ và do ảnh hưởng những tác động của môi trường không lành mạnh.

    Chúng ta cũng đừng cho rằng, cái xã hội bên ngoài luôn có những tội lỗi xấu xa, những hành vi lệch chuẩn, sẵn sàng lôi kéo hay làm cho những đứa con ngoan ngoãn, tử tế của mình bị lây nhiễm. Điều đó khiến bố mẹ thường vô tình hay cố ý xây dựng chung quanh con một hàng rào “giãn cách xã hội” khiến cho trẻ không có những trải nghiệm và những bài học đau đớn để trưởng thành và có khi lại trở thành một chú gà công nghiệp, ngơ ngác giữa dòng đời.

    Nói như thế, không phải chúng ta bỏ qua những sự vi phạm của trẻ về các chuẩn mực đạo đức. Trẻ sẽ phải chấp nhận một số hình thức kỷ luật nhưng không được gây tổn thương về thể chất và tâm lý như đánh mắng, đay nghiến. Đó phải là những biện pháp kỷ luật nhắm vào lợi ích của bản thân.

    Chúng ta phải giúp trẻ nhìn nhận đó là những “tai nạn”, những sự cố để từ đó có biện pháp ứng xử tích cực.

    Bên cạnh đó hãy xem lại cách giáo dục của chính bố mẹ, phải chăng mình đã quá “bao bọc” hay lại quá “bỏ bê” con, không để ý đến những dấu hiệu phát triển về tâm sinh lý của trẻ. Phải chăng bố mẹ đã chưa có những hướng dẫn hợp lý và hiệu quả về giới tính, đồng thời chưa nhắc nhở trẻ về những “cấm kỵ” những giới hạn trong việc giao tiếp giữa hai phái, kể cả với anh em, con cái, bố mẹ?

    Cho câu hỏi: “Em phải làm gì, phải cư xử như nào và phải đối mặt với chuyện này ra sao? Em cần phải làm gì để có thể bù đắp, chỉ bảo và đồng hành cùng các bé trong thời gian tới?” – Hãy tập cho con ngủ riêng, tắm riêng, có tủ quần áo riêng … Cần tập cho con biết cách cư xử đúng với giới tính của mình, giúp con có những hiểu biết về chức năng của các bộ phận sinh dục.

    Bố mẹ hãy nói chuyện một cách thẳng thắn, không quanh co, hay lấp lửng bởi nó dễ khiến trẻ có những nhận thức sai lầm. Khi trẻ mắc lỗi, bố mẹ cũng không nên quá “quan trọng hóa”,”bi thảm hóa” vấn đề khiến trẻ cảm thấy lo lắng, căng thẳng vì đã vi phạm một tội tầy trời. Thay vào đó,  hãy xem đó là bài học. Trẻ cần được hiểu việc này một cách thấu đáo để có những hành vi phù hợp hơn sau này trong cuộc sống.

    https://afamily.vn/vu-viec-gay-soc-de-hai-anh-em-o-nha-tu-trong-nhau-ba-me-chet-lang-khi-xem-duoc-clip-cau-anh-bat-co-em-lam-hanh-dong-nhay-cam-20200826192922764.chn

     

  • HẠN CHẾ GIAO TIẾP & TÍNH CÁCH HƯỚNG NỘI

    HẠN CHẾ GIAO TIẾP & TÍNH CÁCH HƯỚNG NỘI

    Một người mẹ hoang mang về khả năng ngôn ngữ của con, dù đã bỏ biết bao công sức ra để tập cho con từ lúc như một tờ giấy trắng, cho đến khi có thể nói được, đi học được…. gần như một trẻ bình thường – Nhưng cái khoản cách “gần như” đó, tuy có vẻ như rất gần mà lại rất xa. Bà mẹ dường như bất lực không làm sao có thể tập cho con trở nên dạn dĩ để nói được những câu hoàn chỉnh một cách linh hoạt !

    Người mẹ khác lại lo lắng cho đứa con gái của mình – sao trông nó như một đứa “tự kỷ” … chỉ biết ru rú trong phòng, đi học hay đi đâu về là chui ngay vào phòng, không thích tiếp xúc…trò chuyện với ai, ngay cả khi ăn cơm cũng ít khi muốn ngồi ăn chung với gia đình .. Rồi mẹ lại thấy hay ngồi lẩm bẩm nói chuyện một mình ….Không biết làm sao có thể trò chuyện với con.

    Thực ra giữa một bé tự kỷ không có khả năng giao tiếp và một bạn “tự kỷ” không muốn giao tiếp là hoàn toàn khác nhau, dù biểu hiện bên ngoài rất giống nhau, cũng vì thế nhiều người vẫn cho rằng tự kỷ là một chứng bệnh mắc phải giống như trầm cảm và có thể chữa được.  Trầm cảm thì đúng là một căn bệnh, có thể điều trị bằng thuốc kết hợp với một số liệu pháp tâm lý để thay đổi nếp sống và môi trường – Nhưng cái “bệnh” gọi là “tự kỷ” thì nên gọi đó là tính hướng nội có yếu tố tiêu cực, không muốn chủ động  giao tiếp, không thích chỗ đông người, có những thú vui cá nhân…. Lại là điều không thể “can thiệp” hay trị liệu. Cũng vậy, khả năng giao tiếp của một trẻ tự kỷ là những rào cản khó vượt qua, hay nói đúng hơn là không thể đưa một đứa trẻ tự kỷ trở lại mức độ giao tiếp như một trẻ bình thường.

    Trong việc chăm sóc con, có những trường hợp hết sức nỗ lực để can thiệp bằng nhiều cách, nỗ lực cho con đi học từ lớp Một đến lớp Hai, lớp Ba …mà mỗi năm học là một sự nỗ lực . Nhưng cũng có những trẻ sau khi được can thiệp một hai năm, khi đã có thể nói được thì gia đình vội cho đi học trường bình thường. Đến khi cháu không chịu rèn luyện theo yêu cầu của giáo viên , dù bản thân trẻ biết đọc viết và tính toán rất tốt… thì lại cho con về nhà, ở nhà không tiếp xúc với môi trường xã hội nhiều, và ngay tại nhà cũng không chịu tập luyện cho con các hoạt động cá nhân và phụ việc gia đình mà cháu hoàn toàn có thể làm được. Bây giờ trẻ đã 11 tuổi, không tăng động, không quá khó khăn trong việc tương tác ..nhưng mẹ vẫn thờ ơ trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ cho con mình . Ngay cả việc can thiệp cũng chỉ muốn can thiệp vài buổi một tuần . Chính sự “bỏ rơi” không muốn vất vả vì con trong giai đoạn này, dù trẻ không thiếu thốn về vật chất – nhưng những kỹ năng giao tiếp xã hội lại không được quan tâm thì khi bước vào tuổi dậy thì với những khó khăn về nhu cầu thể xác, sẽ là một trải nghiệm không dễ chịu gì với một người mẹ “lười biếng” như bà !

    Hiện nay, với nhu cầu xã hội đa phần các chương trình can thiệp cho trẻ tự kỷ đều tập trung vào khu vực “can thiệp sớm” với quan điểm càng sớm càng tốt và đến tuổi vào lớp Một, là trẻ có thể học hòa nhập. Điều này có thể đúng với một số trẻ ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, nếu trẻ nhận được một chương trình can thiệp tốt và hiệu quả !  Thế nhưng, dù nặng hay nhẹ thì khi bước vào lứa tuổi tiểu học, khả năng tương tác, thích nghi và linh hoạt trong giao tiếp vẫn là một khoảng trống, mà chưa có một chương trình, một kỹ thuật nào hoàn thiện lấp được khoảng trống này.

    Chúng ta hiểu rằng, giao tiếp là sự tương tác hai chiều, từ đứa trẻ và chiều ngược lại. Việc tập cho trẻ biết chào hỏi, biết nói ra một cách đầy đủ nhu cầu của mình đã khó, thế nhưng với chiều ngược lại thì hầu như chỉ là những tác động mong manh, kiểu may thầy phước chủ. Nếu con được tiếp xúc với một tập thể thân thiện ở nhà trường và ở khu xóm của mình,  khi bố mẹ không “sĩ diện” hay thiếu tự tin, để có thể cho con giao tiếp, qua lại với những người xung quanh và họ cũng thông cảm, hiểu biết, chấp nhận những hành vi kỳ lạ, những hạn chế giao tiếp của trẻ, để có những đáp ứng tương xứng. Đồng thời khi vào trường, các bạn bè xung quanh trẻ cũng cần được “huấn luyện” để biết cách chơi với con, không cô lập hay chế giễu trẻ. Giáo viên thì có sự hiểu biết để hiểu và thông cảm cho trẻ, không gò ép trẻ vào các khuôn khổ một cách cứng nhắc ! Thì những điều đó, cùng với những tác động thông qua các hoạt động tại gia đình, trẻ sẽ dần đần tiếp cận đến mức độ ..gần với bình thường. Nhưng chắc chắn, trẻ vẫn không thể “tự xoay sở” và có khả năng tự lập khi lớn lên, mà vẫn cần một hệ thống hỗ trợ đến từ gia đình và xã hội.

    Thuật ngữ “ Hòa nhập” trong một chừng mực nào đó vừa là niềm vui cho những gia đình của trẻ, nhưng có khi lại trở thành nỗi lo lắng, căng thẳng cho chính trẻ, khi cháu phải tự “bước đi trên hai chân” của mình với khả năng khập khễnh trong giao tiếp. Nhiều phụ huynh nghĩ đơn giản khi “đẩy” được con vào lớp Một là đã có thể giúp cho con hòa nhập xã hội. Điều đó đôi khi lại đưa đến một kết quả xấu, nếu trẻ chưa thực sự hoàn thiện mà lại mong chờ tập thể chung quanh sẽ “tập luyện” cho trẻ dần dần. Nhưng nếu không được “tập huấn” hay đơn giản hơn là “mua chuộc tình cảm” thì những trẻ xung quanh sớm muộn gì cũng bỏ rơi, quay lưng với đứa trẻ.  Có bà mẹ khi cho con đi học lớp Một, đã “mua chuộc” từ những đứa trẻ chung quanh, cho đến cả giáo viên và cả trường học. Trong túi bà khi đưa đón con, luôn có bánh kẹo, gôm tẩy, bút chì , không phải là cho con, mà là để cho các bạn trong lớp, để các bạn ấy đối xử tốt với con. Rồi bà có thể gắn quạt , sửa bóng đèn, thậm chí lót gạch mới cho lớp.. tất cả chỉ là để cho con bà có thể ngồi học hay đúng hơn là ngồi chơi…trong lớp và được gọi là hòa nhập, nhưng sau một thời gian thì bé chỉ có thể “nhập” mà vẫn chưa thể “hòa” với môi trường xung quanh.

    Như vậy, nếu trẻ chưa đủ khả năng giao tiếp tương đối, và cũng chưa thể làm thay đổi môi trường xung quanh, tạo ra một bầu khi thân thiện thì chúng ta hãy cân nhắc việc cho con vào lớp Một, hay theo đuổi việc “đi học” chứ không phải là “đi can thiệp” để rồi tạo ra một “ảo tưởng” là con mình đã “bình thường” như mọi học sinh khác. Nếu không cẩn thận, nhiều khi việc cho con hòa nhập lại trở thành một “kinh nghiệm đau thương” để sau một thời gian khập khễnh, trẻ lại phải quay về gia đình và đau khổ hơn, lại tiếp tục lạc lõng ngay chính trong gia đình của mình, khi khả năng giao tiếp xã hội chưa được cải thiện.

    Vậy có khó lắm không khi tập luyện cho con những kỹ năng giao tiếp xã hội ? Khó và không khó ! Khó nếu như các ông bố, bà mẹ thậm chí là cả ông bà, không chịu thay đổi cách nhìn nhận và ứng xử với con, vẫn tiếp tục nuông chiều, ấp ủ, làm thay các hoạt động thường ngày. Trẻ không “học cách giao tiếp” giống như học nói, học nhận biết môi trường xung quanh trong chương trình can thiệp sớm, trẻ cũng không phải “rèn luyện” hay uốn nắn hành vi, cố gắng phát âm cho tròn trịa trong những giờ “âm ngữ trị liệu” . Mà trẻ sẽ được sống trong một môi trường giao tiếp lành mạnh và tích cực với niềm vui là được xem như một thành viên trong gia đình. Trẻ được hướng dẫn, nhắc nhở và giao phó cho những công việc từ đơn giản đến phức tạp trong gia đình, tùy theo năng lực và độ tuổi. Trẻ được “chơi” các trò chơi sắm vai, giao tiếp trong các tình huống tương tự như ngoài xã hội và trẻ cũng phải có những trải nghiệm thất bại, trả giá trog các hoạt động hàng ngày.  .

    Bố mẹ cũng không nên mặc cảm, không “sĩ diện” khi phải “giới thiệu” đứa con “ không giống ai” của mình với những người xung quanh. Trẻ có thể chạy qua nhà hàng xóm, ngồi chơi với bác Tám, Dì Tư … trẻ có thể đi mua cho mẹ một chai nước suối, một hộp bánh ở cô Sáu bán tạp hóa đầu ngõ … Và hơn nữa, trẻ cũng có thể phải biết “rút kinh nghiệm” qua những trải nghiệm đau đớn và thất bại nho nhỏ của mình . Chúng ta có thể sẽ để cho trẻ tự xoay sở trong một môi trường an toàn mà chúng ta đã thiết kế xung quanh trẻ. Trong môi trường đó, trẻ hoàn toàn tự chủ để có thể chơi và làm những điều mình muốn, đôi khi khá kỳ cục thậm chí là có thể xẩy ra vài tai nạn trầy trụa, u đầu sứt trán … nhưng không quá nguy hiểm. Vì chính các tai nạn ấy, sẽ giống như vacxin chích ngừa cho trẻ miễn nhiễm với virus “không biết ứng xử” .

    Chúng ta cũng cần phải có sự hiểu biết và chấp nhận những trẻ có tính hướng nội với những biểu hiện tương tự như trẻ tự kỷ, không nên hy vọng vào một loại thuốc “thần kỳ” nào, mà cách can thiệp tốt nhất là tôn trọng, chấp nhận và giúp trẻ có những thời điểm cùng chung với gia đình trong việc ăn uống, vui chơi. Đừng đòi hỏi trẻ phải như các trẻ hướng ngoại, linh hoạt trong các hoạt động giao tiếp, mà nên tìm hiểu các thế mạnh của trẻ trong các sở thích cá nhân để phát triển lòng tự tin cho các em.

    Chúng ta cứ kiên trì một cách vui vẻ, từng bước tập luyện một cách kiên quyết nhưng nhẹ nhàng, thông qua các hoạt động gia đình “dễ như chơi” và có những trao đổi, tập cho trẻ nói và nhắc lại những câu hoàn thiện thông qua việc đọc sách, kề chuyện buổi tối hay mô tả càm xúc và hành vi của trẻ khi bạn ấy đang hoạt động.  Không có các kỹ thuật hay biện pháp thần kỳ “mì ăn liền” ở đây, không có phương pháp thần thánh nào mà chỉ cần vài cách thức, vài buổi tập luyện để có thể giúp trẻ hoàn thiện giao tiếp.  Một môi trường lành mạnh, vui vẻ, với những giao tiếp tích cực, không nuông chiều hay làm thay và để cho trẻ trải nghiệm những khó khăn một cách tự chủ, là một môi trường gia đình cần thiết để trẻ phát triển khả năng giao tiếp của mình.

    Lê Khanh – TT Diệp Quang..

     

  • CHO CON ĐƯỢC LÀ ..CON

    CHO CON ĐƯỢC LÀ ..CON

    Khi sinh một đứa con, ai cũng mong muốn con lớn khôn, học hành tử tế, rồi ra đời sống được với khả năng, bằng cấp của mình. Hơn thế nữa, khi khôn lớn sẽ được dựng vợ gả chống, rồi sinh con cái và mình sẽ là ông bà ..hạnh phúc.
    Đó là mơ ước của hầu hết mọi gia đình, và cũng là mục tiêu cần phải có của các bậc cha mẹ, thế nhưng ngoài bệnh tật, tai nạn, rồi con cái không đi theo nghề nghiệp, con đường mà mình mong muốn, hay ăn chơi hư hỏng … và nhất là không chịu lập gia đình cho bố mẹ có cháu bế…thì điều làm cho các ông bố bà mẹ đau khổ nhất, lo lắng nhất và cảm thấy bất lực nhất chính là tình trạng “nửa nạc nửa mỡ” của con về giới tính
    Người ta đã thống kê là có khoảng 20% dân số trên thế giới là rơi vào nhóm của những kẻ HIFi ! ( ở VN thì khoảng 15%) Trong số 20% đó có đến 4 loại khác nhau : Đồng giới nam – đồng giới nữ và đặc biệt hơn nữa là nhóm xuyên giới tính và chuyển giới tính ( Gọi là LGBT : Lesbian – Gay – Bisexual và Transgender hay Transsexual people) . Có thế nói, nhu cầu về tính dục hay sự luyến ái về thể chất và tinh thần là nhu cầu mạnh mẽ nhất của con người, chỉ xếp sau nhu cầu về dinh dưỡng, thậm chí có khi còn qua mặt luôn – Và nhu cầu đó luôn gắn với mối quan hệ khác giới ! Đàn ông phải thích cái đẹp của phụ nữ, và đàn bà phải yêu cái tài của các ông ! Âm và Dương phải tìm nhau – thu hút và hòa hợp, đó là điều đương nhiên và bình thường. Thế nhưng, nếu chẳng may lại rơi vào nhóm 20% kia để rồi con trai lại chỉ ham thích đàn ông và phụ nữ lại chỉ mê con gái thì quá ư là bất thường và không thể chấp nhận.
    Chính vì sự không thể chấp nhận đó, mà những người thuộc giới LGBT đã gặp phải rất nhiều sự kỳ thị và coi thường, mặc dù cho đến nay họ cũng được luật pháp bảo vệ. Nhưng cái rào cản lớn nhất của họ không đến từ bên ngoài xã hội mà đến từ chính trong gia đình mình.
    Các bậc cha mẹ khi phát hiện ra một số hành vi, thái độ và đặc biệt là mối quan hệ tình cảm với những người đồng giới của con mình, đều bất ngờ và bất bình ! Đa phần thường nghĩ rằng do ảnh hưởng bạn bè, phim ảnh , chạy theo trào lưu… Điều đó cũng có một phần nhưng nếu không phải chỉ là xu thế nhất thời, mà là một tính cách bẩm sinh nằm yên khi còn nhỏ và bộc phát khi bước vào lứa tuổi dậy thì , lúc đó cha mẹ sẽ phải làm gì ? Ai cũng nghĩ, là Les hay Gay, thì phải có những biểu hiện bên ngoài – Con gái thì cắt tóc ngắn, chỉ thích mặc áo chemise, quần tây . Có em khi lên cấp 3 thì nhất quyết không mặc áo dài khi đi học, chấp nhận bị đuổi học để “bảo vệ phái tính” của mình. Con trai thì lại để tóc dài, tô mày vẽ mặt, đeo bông tai, đi đứng ẻo lả, ăn nói yểu điệu … mà người ta gọi là bóng lại cái ! đó cũng chỉ là một phần mà ta gọi là “bóng lộ” Nhưng ngay cả những em gái dịu dàng vẫn có thể là Les, và những anh trai vai u thịt bắp vẫn là gay, vì cái xu thế đó không nằm trong những bộ phận trên cơ thể mà nó nằm ở sâu bên trong những cảm xúc của tâm lý con người, ta gọi đó là “bóng kín” !
    .
    Chính vì nó nằm tuốt bên trong cái đầu, mà chỉ có những người thân gần gũi mới nhận ra và dĩ nhiên là ít ai lại có thể chấp nhận. Có người thì quyết liệt cấm đoán con mình “giao du” với những kẻ đồng giới khác đã “quyến rũ” con mình, mang con đi khắp nơi hỏi han về phương pháp điều trị như một căn bệnh và hy vọng là sẽ “tái lập trật tự”. Có người thì oán trách, mắng chửi, cô lập, hay ngược lại thì khóc lóc, khuyên nhủ con phải “quay lại” cho đúng với giới tính bên ngoài của mình – Nhưng thực ra thì chính cái giới tính nằm sâu trong đầu kia mới là giới tíh đích thực của con.
    Khi đến tư vấn tâm lý, cha mẹ nào cũng mang một trời thất vọng và hoang mang đến, để mong tìm được sự “chẩn đoán chính xác” là nó không phải vậy ! rồi hy vọng Tài năng của nhà tư vấn hay bác sĩ sẽ xoay chuyển được tình hình. Thế nhưng, nếu đã xác định tính cách qua các hành vi và cách sống của trẻ, thì điều quan trọng là phải biết chấp nhận, chứ không có một loại thuốc nào ( như tiêm hocmon, hay biện pháp nào giải quyết được.
    Chúng ta đã biết, mặc dù được luật pháp bảo vệ – nhưng trong xã hội vẫn có sự kỳ thị, xa lánh những người đồng giới. Chính vì sợ con mình bị như vậy mà cha mẹ mới tìm mọi cách để “ chữa chạy” cho con – Nhưng việc không chấp nhận thực trạng của con, không nhìn nhận những giá trị của trẻ, không khuyến khích những khả năng của trẻ mới làm cho trẻ đau khổ còn hơn cả sự kỳ thị của xã hội bên ngoài – Bởi vì ngoài cái “tình trạng khác thường” thì trẻ Đồng giới lại thường giỏi giang về một phương diện nào đó. Có em học giỏi, có em khéo tay, có óc sáng tạo linh hoạt … Đây chính là điều mà các bậc cha mẹ cần nhắm đến, tìm cách hỗ trợ, khuyến khích các em phát triển tài năng của mình, chứ không nên săm soi và tìm cách can thiệp vào điều mà không ai thay đổi được.
    Sẽ có em buộc phải nghe lời mẹ cha, phải sống với cái “ giới tính bên ngoài” để có thể “hòa nhập” với cuộc sống – thậm chí lấy chồng, cưới vợ… Nhưng rồi, chẳng chóng thì chầy, cuộc hôn nhân “bình thường” đó lại trở nên lệch pha trong cuộc sống vợ chồng, sớm muộn gì cũng đường ai nấy đi ! Nhưng cái chính là –Tình yêu thì không thể cấm đoán cũng không thể bắt ép, và cuộc hôn nhân đó chỉ làm đau khổ thêm cho một người nữa, là vợ hay chồng của người đồng giới ! Phải chăng chúng ta luôn mong muốn con mình lớn lên sẽ được hạnh phúc, vui vẻ và thành công trong cuộc sống ? Chính việc chấp nhận giới tính đích thực của con sẽ góp phần giúp cho con có được điều đó ! Chúng ta cũng biết rằng đường đời có rất nhiều ngả, không chỉ nhất thiết phải bước vào đời bằng con đường học hỏi, bằng cấp và cũng không phải là chỉ có những kẻ “bình thường về giới tính” mới có thể thành công – hạnh phúc trong cuộc sống.
    Các bậc cha mẹ có thể chăm lo, bảo bọc cho con trong suốt cuộc đời mình chăng ? hay là khi về già sẽ phải nhờ cậy con ? Nếu như chúng ta bắt ép chúng sống theo ý mình, để tạo nên sự oán ghét nơi tâm hồn của con, đến khi chúng trưởng thành, chúng sẽ bỏ ta mà đi và không đoái hoài gì đến mình. Thay vì vậy, hãy tôn trọng khuynh hướng của con, khuyến khích con phát triển tài năng, để rồi sau này khi lớn khôn, chúng sẽ dùng tài năng đó để làm việc và có thể thành công. Chúng sẽ biết ơn và trân trọng cha mẹ, sẽ hết lòng chăm sóc chúng ta khi về già ! Dĩ nhiên, không thiếu những đứa con bất hiếu – nhưng có thể nói đa phần những kẻ bất hiếu đều xuất thân từ những gia đình luôn chiều chuộng, thả lỏng con không quan tâm đến trẻ, hay đã đối xử quá khắc nghiệt với con – Còn khi chúng ta yêu thương và đối xử tử tế với con, quan tâm và hướng dẫn con với sự tôn trọng, thi chắc chắn chúng ta sẽ có những trái ngọt của sự yêu thương và tôn trọng nơi con.
    Chúng ta có thể “đau khổ” khi biết con mình thuộc nhóm thiểu số – lệch chuẩn kia, nhưng hãy để con được là con – thì Bố mẹ cũng sẽ được là bố mẹ. Có thể chúng ta sẽ không có cháu chắt để bồng bế, yêu chiều nhưng chắc chắn, tuổi già sẽ không sống trong cô độc và một đứa con đồng giới mà tài năng, ngoan ngoãn, tự tin và mạnh mẽ thì có tốt hơn đứa con khác giới mà lười biếng, ham chơi, ỷ lại hay không ? và lại còn đòi hỏi bố mẹ – rồi ông bà luôn phải cung phụng và chăm sóc cho mình và cho cả con cái mình !
    Ngay trước mắt, nếu chúng ta nhìn nhận đứa con Hifi của mình, thì chúng ta đã lấy lại sự cân bằng trong quan hệ gia đình, đem lại nụ cười cho mọi người và sẽ giúp cho con được tự tin, mạnh dạn hơn trong cuộc sống. Còn chuyện tình cảm của con – đó là quyền tự do cá nhân của nó , nó thích ai, yêu ai thì kệ nó, miễn là chúng ta giúp cho nó nhận ra những nguy cơ trong cách sống buông thả, những quan hệ tình dục sai lệch có thể đi đôi với những căn bệnh hiểm nghèo, mà đôi khi chính sự cấm đoán, đe dọa của bố mẹ đã đẩy con vào con đường đó như một lối thoát. Việc quan tâm và tôn trọng con sẽ giúp chúng ta đứng vào hàng ngũ những người mà trẻ yêu mến – như thế có phải là hạnh phúc hơn không ?
    LÊ KHANH – Ngày nắng đẹp tại Diệp Quang
  • NGHĨ VỀ MONTESSORI

    NGHĨ VỀ MONTESSORI

    Nói về phương pháp Giáo dục Montessori thì giá trị và tính hiệu quả là điều không cần bàn cãi. Có điều nhìn qua cơ sở vật chất cùng các bộ giáo cụ tinh xảo, chất lượng và dĩ nhiên là giá cũng rất đẹp của các lớp Montessori thì tự nhiên lại nghĩ đến việc liệu phương pháp này có thể được phổ biến rộng rãi hay không và việc học có thể đi đôi được với thực hành chăng ?.

    Phương pháp Montessori với quan điểm chủ đạo là lấy trẻ em làm trung tâm, tạo điều kiện cho trẻ phát triển tối đa tiềm năng trong sự tự do và vui vẻ, như vậy có liên quan gì đến những lớp học sang trọng rộng rãi và những học cụ đắt tiền mà gần như là một yếu tố không thể thiếu trong việc áp dụng phương pháp này ? Phải chăng trẻ chỉ có thể phát triển khi được hoạt động và học tập trong một căn phòng đúng chuẩn, rộng rãi  với những dụng cụ chuẩn xác, xinh xắn, sạch sẽ vô trùng như phòng thí nghiệm hay sẽ được thoải mái vui chơi với những món đồ chơi tự tạo cùng với môi trường đất, cát, nước, gió và cỏ cây hoa lá trong thiên nhiên ?   Theo nguyên tắc Montessori thì trẻ sẽ có 3 tiếng hoạt động trong nhà và 3 tiếng hoạt động ngoài trời. Nhưng ngay cả việc ra ngoài trời thì trẻ có được tự do vọc cát, nghịch nước , trồng rau, nhổ cỏ, bắt bướm, hái hoa trong tự nhiên… hay cũng chỉ là tự do trên thảm cỏ nhân tạo không một cọng rác, với những món đồ chơi vận động bằng composite sặc sỡ và an toàn, cùng với những bộ khung sắt thép vô hồn để có thể vui đùa ! Nếu như cơ sở đó nằm trong đô thị thì lấy đâu ra vườn cây, bãi cỏ cho các em lăn lê bò toài ?

    Về cách tổ chức thì Trong phòng học có các khu phát triển các giác quan, khu toán học, khu khoa học, khu địa lý, khu ngôn ngữ, khu nghệ thuật… và khu phát triển các kỹ năng sinh hoạt hàng ngày. Môi trường Montessori được xây dựng đẹp, hài hòa, sạch sẽ, có tính trật tự, đảm bảo điều kiện cho trẻ được hoạt động tự do . Như vậy trẻ sẽ được tự do phát triển theo một khuôn khổ định sẵn đựa trên các học cụ chuyên biệt trong từng lĩnh vực và vì thế các học cụ sẽ có một vai trò quan trọng mà phải chăng nếu thiếu  chúng thì trẻ sẽ khó có thể phát triển ? Các học cụ giáo dục này được Bà Montessori, đồng sự và các thế hệ tiếp nối nghiên cứu, hoàn thiện, sáng tạo và phát triển theo thời gian. Hiện trên toàn thế giới chỉ có ba công ty có bản quyền sản xuất dụng cụ Montessori . Như vậy trong môi trường học tập của trẻ, một mặt yêu cầu tôn trọng sự tự do  nhưng lại là sự  tự do trong khuôn khổ với những học cụ định sẵn,  và nếu các cơ sở giáo dục theo phương pháp này muốn đạt chuẩn, thì chỉ được phép dùng các giáo cụ có bản quyền do 3 công ty sản xuất ? Trong khi trên thực tế thì có rất nhiều cơ sở sản xuất đều gắn cái mác Montessori vào học cụ của mình và cũng có rất nhiều cách dạy trẻ dán nhãn Montessori để thu hút bố mẹ đem con đến dù họ không nắm vững được các nguyên tắc cốt yếu và quan trọng nhất.

    Như vậy, khi xây dựng một phương pháp giáo dục mới, nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện dựa trên nguyên lý tôn trọng giá trị của trẻ và phát triển năng lực cho các em – thì phải chăng Montessori lại cột các em vào những sản phẩm, những môi trường nhân tạo và cứng nhắc trong các phòng học sang trọng với những học cụ đắt tiền mà không phải khu vực nào trên thế giới, tầng lớp nào trong xã hội cũng có thể sử dụng được – Điều đó hẳn là không phải là mục đích của bà – một nhà tiến sĩ về giáo dục luôn có lòng yêu thương và tôn trọng trẻ em.

    Rõ ràng là về mặt nguyên lý – nghiên cứu tâm lý phát triển của trẻ và đưa ra các lý luận khoa học thì phương pháp Montessori quá hoàn hảo, và đúng là nếu được vận dụng một cách linh hoạt thì trẻ em sẽ phát triển rất tốt. Thế nhưng nếu đóng khung trong các lớp học và các công cụ không thể thiếu – thì hóa ra là chỉ dành cho một thiểu số trẻ em trong tầng lớp trung lưu trở lên. Điều này có thể không đúng với các nước tiên tiến, có mức sống cao với thì chi phí học tập cho trẻ em là điều không phải bận tâm. Thế nhưng ở các khu vực nghèo, thu nhập thấp thì có khi cũng chỉ là một ước mơ ! Vì thế, tại sao không nghĩ đến những cơ sở với những trang bị đơn giản, rẻ tiền có mức học phí thấp, đáp ứng được nhu cầu học tập cho con em của những tầng lớp lao động, mà vẫn không sai lạc các nguyên tắc chủ yếu của giáo dục Montessori ?

    Điều quan trọng hơn nữa, đó là tính giáo dục theo tinh thần Montessori ngay tại gia đình, không nhất thiết là cứ phải bám theo sự ràng buộc vào các công cụ hay trường lớp đạt chuẩn. Muốn như thế, phụ huynh cần phải làm gì ?

    Theo đúng tinh thần giáo dục Montessori – Phụ huynh cần có sự tôn trọng con, khi chúng ta muốn dạy con tôn trọng mọi người thì phải biết đặt mình vào vị trí của trẻ và ứng xử một cách tử tế , lịch sự với trẻ . Trẻ cần được tự do di chuyển trong các không gian tự nhiên ngoài thiên nhiên hay trong nhà, và dĩ nhiên là khi di chuyển, trẻ có thể gặp các trở ngại hay tai nạn nho nhỏ, chúng ta cần hướng dẫn trẻ những kỹ năng di chuyển an toàn nhưng cũng sẵn sàng để cho trẻ trải nghiệm những đau khổ, thách thức mà trẻ sẽ gặp phải chứ không quá bảo bọc trẻ.

    Trẻ được tự do lựa chọn những món đồ chơi, những món ăn, trang phục để mặc sau khi đã được gợi ý, hướng dẫn cách sử dụng và điều quan trọng là thông qua các hoạt động tự do chọn lựa, quyết định và chấp nhận. Trẻ sẽ phát triển được tính tự lập. Phụ huynh có thể giúp đỡ bằng cách đơn giản hóa các công việc liên quan đến con để trao cơ hội cho trẻ có thể tự mình làm các công việc như mặc quần áo, rửa tay, đi vệ sinh, dọn đồ chơi… Trong đó, phụ huynh nên để cho trẻ tự ăn, tuy có thể trẻ sẽ làm rơi vãi thức ăn khắp nơi nhưng lại là cơ hội tốt để con thực hành các kỹ năng sống cần thiết. khi trẻ tự lập làm các công việc của mình, cha mẹ hãy quan sát để có thể hỗ trợ khi cần thiết và khen ngợi nếu con làm tốt. Sự khích lệ này sẽ giúp con có động lực và hứng thú khi tự mình hoàn thành công việc dù là nhỏ nhất.

    Trong việc giao tiếp với con thì phụ huynh hãy sử dụng những lời lẽ đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu và cũng biết cách lắng nghe trẻ nói, để trẻ cũng học được cách lắng nghe người khác. Trong việc chơi với con, hãy lưu ý để sử dụng các công cụ, các món đồ chơi tự tạo hơn là sắm sửa các món đồ chơi có sẵn, đắt tiền . Quan trọng hơn, đừng vì sự tiện lợi mà cha mẹ cho bé chơi những món đồ chơi được lập trình sẵn và chỉ cần bấm nút để hoạt động trong khi con không phải làm gì nữa. Hãy dùng những đồ chơi trẻ có thể cầm nắm được và giúp con tập trung thực sự trong việc khám phá những ý nghĩa và cách tương tác với các món đồ chơi ngoài thiên nhiên.

    Nuôi con là cả hành trình dài cùng con lớn lên và trưởng thành. Do đó, cha mẹ đừng vì áp lực dư luận hay lời nhận xét từ mọi người xung quanh mà áp đặt những điều tiêu cực vào phương pháp dạy con của chính mình.  Kiên nhẫn là một trong những điều quan trọng mà phụ huynh cần có trong hành trình nuôi dạy con. Khi ba mẹ thiếu kiên nhẫn với trẻ sẽ rất dễ la mắng, trách cứ, thậm chí đánh đòn con. Tuy nhiên, cha mẹ có biết, chỉ 1 giây mất bình tĩnh và thiếu kiên nhẫn, ba mẹ có thể vô tình làm tổn thương con. Vì thế, thay vì phản ứng giận dữ, vội vàng và thái quá, phụ huynh hãy bình tĩnh với trẻ. Cha mẹ có thể lắng nghe những chia sẻ về cảm xúc của con trước và cùng con tìm ra hướng giải quyết tích cực nhất. Có như vậy, sợi dây kết nối giữa ba mẹ và con mới thêm bền chặt.

    Bà Maria Montessori  đã từng nói: “Tình yêu thương trẻ vô điều kiện và đặt giới hạn cho các hành vi”. Từ câu nói của bà, cha mẹ dễ dàng nhận thấy rằng bất cứ mối quan hệ nào được vun đắp bằng tình yêu thương sẽ giúp con trẻ trở thành những công dân hạnh phúc.

    Do đó, hãy đến với trẻ, lắng nghe các con bằng tình yêu thương và sẵn sàng hỗ trợ khi bé cần sự trợ giúp. Trẻ sẽ cư xử tốt hơn khi cảm thấy tốt hơn. Sức mạnh của tình yêu sẽ giúp bé thoải mái, suy nghĩ tích cực và hành động đúng đắn. Như vậy, giá trị cốt lõi của Montessori là cách chúng ta cư xử và hướng dẫn trẻ như thế nào, chứ không phải nhất thiết là bằng những lớp học “trong lồng kính” và những bộ công cụ hàng triệu đồng và phải trang bị thật đúng chuẩn !

    Lê Khanh .