Trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, người giáo viên không phải người quan trọng nhất, mặc dù đó lại là vai trò được “đầu tư” nhiều nhất. Có rất nhiều phương pháp, kỹ thuật và cả quan điểm về sư phạm đòi hỏi giáo viên phải học tập và biết vận dụng một cách hiệu quả – Tuy nhiên, yếu tố thành bại trong việc giúp cho trẻ phát triển lại không do “nhân vật tài năng” này quyết định mà lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau :
Về bản thân, thì có lẽ nghề nào cũng đòi hỏi một tấm lòng yêu nghề cao độ, mới làm tốt được nhiệm vụ của mình. Trở thành một người có tay nghề cao. Nghề giáo cũng thế, nhưng nếu yêu cầu một giáo viên đặc biệt chỉ có lòng yêu nghề thôi thì chưa đủ mà còn phải yêu luôn cái đối tượng mà mình đang ra sức uốn nắn là một đứa trẻ “dở hơi” – không biết chào hỏi, thưa gởi, đã không tương tác tốt lại còn luôn làm cho mình bầm mình bầm mẩy, muốn nổi điên về những thái độ, phản ứng không giống ai ! Đã thế, còn phải luôn có tinh thần nỗ lực học hỏi, từ bạn bè, các nhà chuyên môn cho đến sách vở tài liệu và phải luôn biết rút ra những kinh nghiệm khác nhau cho từng đứa trẻ khác nhau !
Về môi trường xung quanh, thì ngoài một số cơ sở trang bị tương đối đúng chuẩn, có phòng, có sân rộng rãi và các học cụ đa đạng… Thì hầu hết là những phòng ốc không phải là trường, mà chỉ là những căn nhà phố được cải tạo phần nào với những căn phòng sử dụng không đúng công năng và các công cụ không phù hợp với đối tượng là các trẻ đặc biệt. Không phải là người tổ chức hay chủ cơ sở không chịu đầu tư, mà có khi họ cũng sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để trang bị, nhưng lại “trật bản lề” – Có một dạo, phong trào “Tâm vận động” bùng nổ, các cơ sở đua nhau lắp đặt các căn phòng chơi sặc sỡ, các khối tròn, khối vuông, quả cầu gai, nhà banh, thảm nhựa,cầu thang dốc, thang leo núi … tốn kém hàng chục thậm chí hàng trăm triệu – nhưng nó cũng giống như phòng chơi cho trẻ em trong siêu thị chứ không phải là nơi mà trẻ có thể giải tỏa những khó khăn tâm lý thông qua vận động, bởi vì đa phần đều nghĩ rằng, tâm vận động là phát triển kỹ năng vận động tinh và thô cho trẻ, thậm chí là cả các biện pháp điều hòa cảm giác cũng có mặt với các quả bóng gai và các lối đi rải sỏi có kích thước khác nhau.
Thế rồi, sau đó lại là những phòng Montessori, khi nhiều người cho rằng Montessori là một phương pháp tiến bộ trong giáo dục trẻ bình thường, thì chắc cũng hiệu quả cho trẻ đặc biệt, thế là lại bỏ ra hàng chục triệu để trang bị một phòng mon đúng chuẩn với các thiết bị tinh tế, sang trọng và có khi là bí mật – Bởi vì, nếu không phải là một giáo viên đươc đào tạo đúng chuẩn của phương pháp này thì có khi cũng không biết các công cụ xinh xắn, đa dạng kia sẽ giúp cho trẻ phát triển cái gì và ai có thể làm điều đó với trẻ. Dạy trẻ theo phương pháp Mon cũng giống như can thiệp cho trẻ trong phòng tâm vận động, không hề đơn giản như một buổi học – hay một buổi chơi bình thường ! Không phải chỉ cần có công cụ là được mà yếu tố con người là vô cùng quan trọng. Nhất là không phải tre đặc biệt nào cũng có thể áp dụng phương pháp Mon hay Tâm vận động một cách tùy tiện.
Ngoài các cơ sở “sang chảnh” có những trang bị tiền triệu kia thì còn lại những Nơi gọi là “Trung Tâm” dưới đủ loại tên gọi khác nhau – đều là những căn nhà phố và những trang thiết bị tương tự như một nhà trẻ, mẫu giáo hay tệ hơn là những đồ chơi mua ngoài nhà sách hay các tiệm đồ chơi ngoài chợ mà mục tiêu chỉ là để cho các em có cái để nghịch cho hết ..giờ, hết ngày. Cũng có những nơi, có trang bị cho các giáo viên một số công cụ khác nhau, nhưng lại không tập cho Gv cách chơi với trẻ qua các dụng cụ đó như thế nào ! thế là “món sở trường” của các cô chỉ là các tấm thẻ tranh, giơ ra cho trẻ xem và tập cho trẻ nói theo mình, lập lại những câu trả lời : Cái này là cái gì, con này là con gì, màu này là màu gì ! cao hơn chút là cùng tập với trẻ một số thao tác vận động thô và tinh cho ..vui, bởi vì mục tiêu cấp bách nhất là làm sao cho con nói được !
Một người Giáo viên không được hướng dẫn bài bản, không có sự nhiệt tình, yêu nghề, yêu trẻ lại không được trang bị những công cụ có tác dụng cụ thể và được tập luyện với trẻ trong một không gian phù hợp thì không khác nào đem một chiến sĩ tung ra mặt trận mà chưa qua huấn luyện nơi thao trường và cũng không có đủ vũ khí cần thiết, mà lại mong chiến thắng . Nếu có chăng thì chỉ là “may thầy phước chủ” hoặc chỉ đạt được một vài sự thay đổi và nhà trường sẽ thuyết phục phụ huynh chấp nhận sự thay đổi đó như một tiến bộ , khi trẻ nói được dù chỉ là để trả lời các câu hỏi về đồ vật, con vật là coi như có thể cho “ tốt nghiệp” ra trường.
Một yếu tố khác được xem là “nhân vật phụ” nhưng lại đóng vai trò then chốt trong việc Dạy trẻ, đó chính là phụ huynh các em – Một chuyện ngược đời ! Muốn trẻ tiến bộ thì phải cho đến cơ sở can thiệp, nhưng bố mẹ lại phải biết “dạy con” ! Nhưng có thể nói là – dạy trẻ khó một thì thuyết phục phụ huynh tham gia hoạt động can thiệp cho con khó mười ! Đủ các lý do chính đáng để phụ huynh có thể “trút gánh nặng” cho giáo viên, mà lý do đơn giản nhất : Nếu tôi biết dạy con, thì cần gì tốn tiền, tốn thời gian đưa con đi can thiệp ! Như vậy thì làm sao thuyết phục ? Thôi thì cứ tới đâu hay tới đó, khi nào chánthì cho con nghỉ, mang qua cơ sở khác , sẽ ưu tiên cho nơi nào gần nhà và không đòi hỏi bố mẹ phải xắn tay áo lên !
Nhưng vấn đề không chỉ là phụ huynh cần phải biết phối hợp, hay đúng hơn là nắm vai trò then chốt trong việc can thiệp cho trẻ, mà là phải biết can thiệp cái gì và như thế nào ? Cũng có nhiều bậc cha mẹ có thiện chí, muốn cùng với giáo viên can thiệp hay thậm chí là tự mình dạy con – Nhưng dạy cái gì trước cái gì sau và dạy như thế nào lại là một thách thức không nhỏ ! Khi có những khóa huấn luyện mở ra, có nhiều người háo hức đi nghe , ôm một đống tài liệu về tham khảo, rồi lên mạng tìm kiếm thông tin, các “tuyệt chiêu” mì ăn liền để chuẩn bị một chương trình can thiệp “ Đẽo cầy giữa đường” để áp dụng đủ kiểu dạy của những trẻ khác cho con mình. Các phương pháp rất khoa học, các bài giảng rất thu hút, các kỹ thuật rất hấp dẫn nhưng để áp dụng cho con mình thì lại không phù hợp! Chỉ cần mới sửa soạn ngồi xuống dạy là nó đã chạy mất tiêu ! Đó là chưa nói đến nhiều áp lực và kỳ vọng được đặt ra mà mục tiêu là Làm sao con PHẢI NGHE TÔI , chứ ít khi nghĩ đến việc Tôi cần biết CHẤP NHẬN TRẺ như thế nào!
Người Giáo viên hay người chuyên viên thực sự là cần thiết để cung cấp và giám sát các biện pháp, các kỹ thuật cho bố mẹ biết cần phải làm gì với con và cũng nên biết – Chính môi trường gia đình, nếu biết cách thay đổi từ bầu khí đến cách tương tác, mới là nơi đứa trẻ biến chuyển và tiến bộ, còn việc trẻ đến trường, đến trung tâm,tập luyện và vui chơi chỉ là nơi trẻ phô bầy hay áp dụng những những tác động tại gia đình. Nói cách khác, người chuyên viên sẽ định hướng và đưa ra những giới hạn, người giáo viên sẽ tác động thông qua các kỹ thuật và hoạt động , Nhưng gia đình mới là nơi trẻ tiến bộ với những biện pháp thực hành do bố mẹ áp dụng, không phải là trong những giờ can thiệp khô khan, mà thông qua những hoạt động sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, tắm rửa, vui chơi và học tập tại gia đình kéo dài từ tháng này qua tháng khác . Có thể nói, Nếu trẻ chưa thực sự hòa nhập với gia đình thì cái mục tiêu hòa nhập với xã hội chỉ là cái bánh vẽ !
Ít ai ngờ là men bromalin trong trai thơm, papain trong đu đủ lại đa dạng đến thế. Câu chuyện về tầm ứng dụng của diếu tố cho thấy vai trò của sự đơn giản trong quy trình điều trị.
Con người không sinh ra với tập đơn thuốc trên tay. Dược phẩm cho dù dẫn xuất từ dược liệu thiên nhiên, với cơ thể vẫn là hóa chất ngoại lai. Bất kỳ dược phẩm nào, muốn có tác dụng trị liệu, đều phải được cơ thể dung nạp, chế biến, tích trữ và đào thải. Tác dụng tốt hay xấu của dược phẩm vì thế hoàn toàn tùy thuộc vào tiến trình biến dưỡng của thuốc, sao cho vừa nhanh lại vừa gọn.
Thầy thuốc, như tên gọi, nói đúng hơn, như ước vọng của người bệnh, phải là bậc “thầy” về “thuốc”. Gặp nhà điều trị hào phóng cho nhiều thuốc theo kiểu “không bổ chiều dọc thì cũng bổ chiều ngang” chẳng qua vì không nắm vững cơ chế tác dụng cũng như phản ứng tương tác giữa các nhóm dược phẩm, thì toa thuốc có khác gì giấy chuyển bệnh đến phòng cấp cứu!
Người bệnh trong nỗi lo sợ trước bệnh tật đương nhiên tìm thấy ít nhiều an ủi khi rời phòng mạch với toa thuốc chi chít tên thuốc trên tay. Điều đó không mấy khó hiểu vì bệnh nhân rất dễ là… nạn nhân! Nhưng điều đó sẽ rất khó hiểu nếu thầy thuốc khi biên toa chỉ dựa vào thông tin thương mại, hay do động cơ nào đó, vì thầy thuốc cảm thấy “yên tâm” và “thoải mái” hơn khi biên thuốc đến hết chỗ trên toa thuốc!
Không riêng gì với thuốc tây, một thang thuốc Nam, thuốc Bắc với quá nhiều vị thuốc, quá nhiều thang thuốc trong suốt liệu trình cũng đi ngược mục tiêu của liệu pháp. Các nhà nghiên cứu thuộc trường phái Kanbo ở Nhật đã có luận cứ vững chắc khi “đơn giản hóa” nhiều thang thuốc cổ truyền kinh điển của Trung Y bằng cách loại bỏ nhiều vị thuốc mà vẫn giữ nguyên hay thậm chí còn tăng cường hiệu năng của bài thuốc!
Hơn nữa, dù Đông hay Tây, phương pháp điều trị không thể xa rời nguyên tắc “biện chứng luận trị”, theo đó thầy thuốc có bổn phận theo dõi sát sao diễn biến của bệnh tình để liệu cách thay đổi thuốc cho kịp thời. Thay đổi không luôn luôn đồng nghĩa với gia tăng. Bằng chứng cụ thể là triệu chứng bệnh lý trong nhiều trường hợp bỗng thuyên giảm rõ rệt sau khi thầy thuốc giảm số thuốc, bớt lượng thuốc hay thậm chí ngưng thuốc một thời gian ngắn.
Xin phép nhắn nhủ bạn đọc một điều rất “phản bổn”: Thuốc là phương tiện để điều trị. Nếu “đói ăn rau” thì đúng là “đau phải uống thuốc”. Nhưng giữa phải và nên bao giờ cũng có một khoảng cách. Đó là khoảng cách khi gần khi xa, khi mờ khi tỏ, giữa thiết yếu và cần thiết. Cũng chính vì thế mà chức năng tư vấn của thầy thuốc khi cho thuốc, của dược sĩ khi trao thuốc, không thể thiếu trong quy trình điều trị. Thầy thuốc không chỉ mang hình ảnh của người biên toa thuốc mà còn là người biết lúc nào nên trao toa thuốc cho bệnh nhân, để người bệnh trong suốt liệu trình không phải mang cảm giác cô đơn của kẻ bị bỏ rơi sau khi nhận… toa thuốc!
Bệnh tật và y thuật là một phần không thể tách rời của cuộc sống. Cuộc sống mới nhìn lắm nỗi nhiêu khê nhưng trên thực tế có thể trở thành đơn giản hơn nhiều nếu con người đừng tìm cách phức tạp hóa cuộc đời. Một liệu pháp nào đó, dù là dùng thuốc hay không dùng thuốc, dù Đông hay Tây, chắc chắn sẽ gần với người bệnh hơn nhiều, khi phương pháp điều trị đừng vì mục tiêu ngoài y khoa, chẳng hạn vì huê hồng của đơn thuốc, nên xa rời yêu cầu khẩn thiết và hợp lý của người bệnh. Đó là đơn giản trong quy trình và rõ ràng về mục tiêu. Điểm khác biệt giữa y khoa và y thuật chính là tiếng gọi hoàn nguyên. Riêng với thầy thuốc hai tiếng “nguyên bổn” còn có tên khác: lương tâm!
Người ta thường nói, “thà nói chuyện với đầu gối”, vì đầu gối không hề cãi lại, cho dù không ai biết, đầu gối có lắng nghe hay không. Ở đây, thay vì nói chuyện với đầu gối, tôi không chỉ nói chuyện về đôi bàn chân, mà theo tôi, ta cần phải tâm sự với đôi bàn chân mỗi ngày, vì lẽ, đôi bàn chân là bộ phận thân thể bị lợi dụng nhiều nhất, và bị lơ là nhiều nhất.
Này nhé, trong văn chương thơ phú, khi tả về sắc đẹp của người phụ nữ, từ trên xuống dưới, từ mái tóc, đôi mắt, mũi, môi, miệng, cho đến đôi bàn tay, cánh tay, và xa hơn nữa… là cặp đùi, hay bằng tiếng lóng, “chai dần”! Nhưng, không biết vì lý do gì, văn thi nhạc sĩ lại dừng ngang đôi bàn chân, ít khi nói tới. Không phải là không có, mà nếu có thì cứ xem đôi chân là phần ô dề, xấu xí nhất của thân thể.
Đó là ở Việt Nam, còn ở Mỹ, theo nghiên cứu có thật, trên 50% người Mỹ, khi tắm, không kỳ cọ hay thoa xà phòng đôi bàn chân!
Khi nói về sức khoẻ cũng thế, người ta lo chăm sóc những bộ phận khác của cơ thể, mà không nghĩ đến vai trò quan trọng của đôi bàn chân, chịu đựng hàng trăm, hàng ngàn tấn sức nặng, qua bao năm tháng, “đội trên đầu”, chuyên chở toàn bộ cơ thể, hay giúp khuân vác những vật nặng. Ấy thế mà nhiều người đã bỏ lơ mất tầm quan trọng của 42 bắp thịt, 26 đốt xương và 33 khớp xương bé nhỏ, chưa kể những mạch máu, những sợi gân, và những dây thần kinh được kết hợp rất khéo léo. Mỗi ngày, người ta nhồi nhét đôi bàn chân ấy vào những đôi giày, đi đứng và chạy nhảy, xem như chuyện tự nhiên. Chưa kể những đôi giày thật sang, thật mỹ miều nhưng lại thật chật hẹp, gò bó không khác gì tục bó chân của người Trung Hoa ngày xưa.
Tôi đã từng bị gãy xương bàn chân, phải băng bột và ngồi xe lăn để khám bệnh hay mổ xẻ. Tuy chỉ là thời gian ngắn nhưng đủ để cảm thông cho nỗi khổ của những người bị tật nguyền không còn đôi chân, hay bị liệt.
Mỗi khi nói đến bệnh tật của đôi chân, người ta chỉ nghĩ đến chuyện gãy xương bàn chân, trẹo mắc cá khớp xương chân, hay bong gân xương chân. Và, ngoài những bệnh trực tiếp đến đôi bàn chân như thấp khớp, bệnh gout, chai da, hay nấm móng chân… thật ra, nhiều dấu hiệu bệnh tật trong trong thể lại được biểu hiệu lên đôi bàn chân.
Theo Đông Y, một số huyệt mạch trên đôi bàn chân có thể liên hệ hay ảnh hưởng đến một số cơ phận nội tạng nào đó trong cơ thể. Bằng cách xoa nắn những huyệt mạch nầy, có thể làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của các nội tạng. Chuyện ấy tôi không hiểu rõ, nhưng theo Tây Y, có nhiều sự tương quan giữa đôi bàn chân và các bệnh kinh niên khác trong thân thể.
Bệnh tiểu đường
Người bị bệnh tiểu đường thường có cảm giác như bị kim chích hay lửa đốt ở đầu ngón chân. Khi lượng đường trong máu tăng, những phân tử đường sẽ bám vào chung quanh những dây thần kinh. Hiện tượng “thắng đường”, hay “ngào đường” ảnh ưởng đến các tế bào dây thần kinh, tương tự như kho cá hay làm mứt khiến cho những dây thân kinh nầy không hoạt động bình thường. Vì thế những sự đau nhức xảy ra khi các dây thần kinh bị hư.
Bệnh suy tuyến giáp hay cường tuyến giáp
Tuyến giáp (thyroid), ở cần cổ, phía trước cuống họng, giúp điều hòa thân nhiệt và năng lượng trong cơ thể. Người bị suy tuyến giáp (hypothyroidism), dễ bị mệt, da khô, luôn cảm thấy lạnh, và bị trầm cảm (depression). Ngược lại người bị cường tuyến giáp (hyperthyroidism), dễ bị căng thẳng thần kinh, dễ ra mồ hôi, da mỏng, sợi tóc dễ gãy, và suy yếu bắp thịt. Những dấu hiệu tương ứng cũng hiện ra ở đôi bàn chân như làn da, và móng chân. Thí dụ, móng chân dễ bị rạn nứt, bàn chân luôn đẫm mồ hôi là dấu hiệu của cường tuyến giáp, còn khô da, chân bị nức nẻ là do suy tuyến giáp.
Thiếu hụt dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng cũng biểu lộ trên đôi bàn chân. Thiếu calcium và vitamin D làm cho xương giòn dễ vỡ. Ngoài ra thiếu vitamin B-12 hay thiếu chất khoáng magnesium cũng làm cho bàn chân bị tê hay đau nhức.
Các bệnh về thần kinh
Các chứng đau nhức xương cốt như đau lưng kinh niên làm cho bàn chân bị đau. Trẻ em bị đau bàn chân thường là do những bệnh về suy cơ bắp và thần kinh (neuromuscular diseases).
Suy thận
Bàn chân bị sưng phù do thận bị yếu. Nước không thể thải ra khỏi cơ thể sẽ bị ứ đọng xuống chân.
Bệnh về tim mạch
Suy tim hay cao huyết áp cũng làm cho bàn chân bị sưng phù. Nếu mạch máu bị nghẽn, lông trên ngón chân sẽ không mọc được.
Ung thư
Những dấu lỡ loét trên da mà không bị đau thường là dấu hiệu của ung thư da. Nếu trên móng chân có những lằn đen thường là dấu hiệu ung thư của những nơi khác trong cơ thể. Rất nhiều trường hợp ung thư phổi lại có dấu hiệu lở loét thể hiện trên đôi bàn chân.
Thế đó, đôi bàn chân đã đưa loài người ra khỏi Phi Châu từ mấy chục ngàn năm trước. Cũng đôi bàn chân ấy ông cha ta đã băng Hoành Sơn, vượt Trường Sơn, Nam tiến, và, cũng những đôi chân ấy, đưa dòng máu Việt đi khắp năm châu. Làm sao lại đành quên?
Theo tôi, bàn chân đáng được nâng niu và chuyện trò hơn là đầu gối. Lần sau, mỗi khi nhìn xuống dưới… nên nhìn xa hơn một tí, bạn nhé.
Có một nhận thức khó thay đổi trong suy nghĩ của Giáo viên hay bố mẹ, khi nói đến hoạt động can thiệp hay giáo dục trẻ em, là phải có người dạy cùng các kỹ thuật tác động lên trẻ . Người dạy giỏi thì tác động hiệu quả, dạy dở thì tác động kém hiệu quả, đôi khi phản tác dụng ! Vấn đề chỉ là dạy bằng phương pháp gì, và phương pháp đó có tốt, có tính khoa học hay không mà thôi ! Như vậy, nếu nói rằng dạy mà không cần phải tác động bằng sự ép buộc hay dẫn dụ, chỉ là cần tạo ra những cơ hội cho trẻ tự hoạt động, tự khám phá và qua đó tự nhận thức, thì nhiều người sẽ cho rằng đó không phải là can thiệp hay giáo dục ! Bởi vì Giáo dục có nghĩa là phải làm sao cho trẻ nghe theo lời mình, biết hoạt động theo sự hướng dẫn của mình , phải làm được những điều đúng và không được phép có những hành động vượt ra ngoài các khuôn khổ đã quy định.
Trong phạm vi giáo dục bình thường, thì việc “Thầy giảng – trò ghi” – “thầy dạy, trò làm theo” đó là nguyên tắc chủ đạo – mà kết quả là các em sẽ thuộc bài, làm bài được và có điểm tốt. Mục tiêu cuối cùng là được lên lớp, rồi tốt nghiệp …Nhưng ngoài những kiến thức mà các em phải nhớ, phải thuộc để đạt được điểm cao trong các kỳ thi, các em sẽ có gì trong cuộc sống khi theo đúng cái nguyên tắc chủ đạo này? Các em có được sự tự tin – linh hoạt – thích nghi – hiểu biết về chính mình để có thể tự đặt ra cho mình những mục tiêu phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân không? Có thể tự thoát ra khỏi những tình huống khó khăn bất ngờ hay có thể tự khuyến khích mình tìm tòi, giải quyết một vấn đề mới chưa từng gặp bao giờ hay không ?
Để trả lời cho câu hỏi này, thì lại phát sinh ra những hoạt động hướng dẫn khác – nào là tư vấn hướng nghiệp, nào là đánh giá năng lực bằng các Test tâm lý, đi học các khóa kỹ năng sống, hay buộc trẻ đi nghe các chuyên gia diễn thuyết để khóc hết nước mắt khi được chỉ ra các “tội lỗi” của mình ! Có khi phụ huynh lại cho làm một bản sinh trắc vân tay để khám phá tiềm năng. Nhưng sau khi đã được tư vấn các kiểu, biết ngành nào là tốt, kiếm được nhiều tiền, dễ tìm việc làm..phù hợp với sở thích của mình, sau khi soi đủ 10 đầu ngón tay, biết mình thuộc nhóm người nào, tính cách ra sao, có loại trí thông minh gì …nên học cái gì thì các em lại vẫn tiếp tục phải đi tìm thầy để ..học thêm về những cái được cho là tốt nhất cho mình, hay đã có thể tự mình bước đi trên con đường lập thân bằng khả năng tự học chưa ?
Ngoài ra, nếu để các em một mình xoay sở trong một hoàn cảnh nào đó – thì liệu các em có thể giải quyết được vấn đề, hay lại tiếp tục “túm váy mẹ” để lại phải có sự dẫn lối, cầm tay chỉ việc thậm chí là làm dùm luôn cho xong? Cuối cùng, nếu các em thành công thì có cho là mình tài năng, còn nếu thất bại thì lại cúi đầu đổ thừa cho hoàn cảnh, số phận hay không ?
Cả đến khi bị quá tải vì những vấn đề tâm lý, trở nên trầm cảm, thất vọng hoặc ẩm ương, trở nên khó chịu …thì bố mẹ lại đi tìm đến các chuyên gia, bác sĩ tâm lý để mong chờ một loại thuốc thần kỳ nào đó, một phương pháp hiệu quả nào đó do nhà chuyên môn ra tay trị liệu cho con mình, mà không nghĩ rằng con sẽ phải tự “bước đi” trên chính đôi chân của mình. Nhà chuyên môn chỉ là người chỉ hướng, chỉ là người đưa ra các công cụ… mà mình phải tự làm, tự đứng lên, tự thay đổi.
Nhưng, để có những cái tự đó, thì trẻ đã phải có một quá trình tập luyện, mà trong tiến trình trưởng thành, thì cái suy nghĩ và nhận thức: “Không thầy đố mày làm nên” đã trở thành nguyên tắc ứng xử không tranh cãi rồi! Điều đó khiến cho bản thân các em đã không thể tự bước đi, không thể tự làm gì vì không quen, không muốn, không dám nghĩ đến điều đó để từ đó có thể đưa vào các hoạt động trong cuộc sống đời thường. Khi đã không có được thói quen tự chủ đó, những biện pháp “trị liệu” dùng sự thay đổi của chính mình làm động lực có thể giúp được gì cho em ?
Với các trẻ đặc biệt cũng là suy nghĩ như thế ! Không có các chuyên gia giỏi để can thiệp, không có các giáo viên đặc biệt có kinh nghiệm để “uốn nắn hành vi” cho trẻ, thì phụ huynh đâu biết làm gì ? Cần phải đưa trẻ đến các trung tâm chuyên biệt, chứ ở nhà thì bố mẹ không dạy được – Đó cũng là một nhận thức không thể thay đổi. Ngay cả khi được tư vấn, hướng dẫn rằng bố mẹ phải biết dạy hay chơi với con…thì vẫn thấy rằng mình không thể dạy được, vì “nó không nghe lời” và mình cũng không biết “dạy” như thế nào ! kể cả việc dùng đòn roi hay bánh kẹo, đồ chơi …ra để cưỡng chế hay dụ dỗ cũng không xong! Thế rồi, lên mạng tìm kiếm kinh nghiệm dạy con của các phụ huynh khác, mang về áp dụng cho con mình mà không nghĩ rằng con mình khác con bạn vì mỗi đứa trẻ là một cá tính, là một vấn đề khác nhau. Nếu “may thầy phước chủ” mà con có đáp ứng, thì có khi lại mở luôn một khóa huấn luyện cho mọi người !
Thường thì sau khi trẻ được đưa đến cho một chuyên gia, một giáo viên giỏi , tâm huyết … có được những kỹ thuật tốt … thì các em sẽ có những biến chuyển và tiến bộ rõ ràng. Từ một trẻ chưa có ngôn ngữ, các em nói được…từ việc chưa biết các hoạt động cá nhân, các em bắt đầu làm được… Phụ huynh mừng như trúng số …và bắt đầu xây ..mộng ! Trẻ chưa nói, thì đặt mục tiêu là trẻ nói…bây giờ trẻ đã nói, có khi lại nói quá nhiều, thì đặt mục tiêu là phải nói đúng, phải nói lưu loát … Trẻ vừa mới tiến bộ sau một thời gian can thiệp, thì lập tức cho đi học hòa nhập, để lấy các trẻ bình thường ra làm mục tiêu phấn đấu cho con. Cứ thế cho đến một lúc nào đó, thì phụ huynh mới thấy rằng, dù đã hết sức tác động, đã cho đi can thiệp đủ loại trường, đủ loại phương pháp…các em vẫn có những hạn chế trong nhận thức, suy luận và đặc biệt là khả năng tự chủ rất thấp! Các em có thể đọc được, viết được các chữ, các câu ngắn, biết kêu bố A..ơi, mẹ B..ơi .. chỉ con gì cũng biết, nhìn hình là nói được tên… Nhưng để tự ý nói một câu ngắn, đặc biệt là những câu về cảm xúc…thì lại phải một quá trình dài… Nhưng ngay khi trẻ có thể nói được một câu dài đầy đủ, thì hình như mục tiêu vẫn còn xa lắm….
Trong quá trình can thiệp, đa phần phụ huynh thường lấy cái đích cuối làm mục tiêu, như với trẻ dưới 5 tuổi thì hầu như cái đích luôn là lớp Một ! và việc cho được trẻ đi học là một thành công, dù rất khiêm cưỡng… chứ việc các em có thể tự giải quyết một vấn đề nào đó, tự làm tốt các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày của mình lại không phải là mục tiêu ! Bởi vì để “đẩy” được các em vào lớp, khiến cho các em bật ra lời nói, thì đã có rất nhiều phương pháp để áp dụng và một đội ngũ các giáo viên sẵn sàng hỗ trợ. Chứ để cho các em tự thay quần áo, biết gấp quần áo cho vào tủ. Biết tự ý làm các việc “ vặt” trong nhà như quét và lau sạch một căn phòng, biết nhặt rau, vo gạo, bật bếp… nấu mì tôm .. hay rửa chén, đóng đinh, cột một sợi dây treo khăn …thì đó không phải là mục tiêu quan trọng hay cần thiết và nhất là chẳng có giáo trình, phương pháp hay thầy cô nào dạy cả! Vậy thì làm sao mà “trút cái gánh nặng” cho ai hay là dựa vào cái gì để dạy ? Thôi đi mua một chục hộp VNK về đè ra cho trẻ uống là tự nói được thôi !
Ngay cả đến việc làm sao cho trẻ tự giác ngồi vào bàn học đúng giờ, tự giải quyết các bài tập trong vở, tự chép một trang giấy, tô một cái hình…cho đến việc tự ý dọn dẹp gọn gàng bàn học của mình.. thì cũng chẳng có phương pháp nào mà không cần tới người nhắc nhở, thậm chí là phải đe nẹt, dọa dẫm với cây roi hay có khi mẹ thì quát, con thì khóc và dạy trong nước mắt thì mới xong được một giờ học.
Từ việc Tự ăn, tự ngủ, tự chơi…cho đến tự giác, tự học, tự chủ, tự tin … là một tiến trình bắt đầu từ những hoạt động tự ý trong cuộc sống đời thường, chứ không phải bắt đầu từ những cuốn giáo trình dày cộm. Không phải bắt đầu từ các giáo viên đầy kinh nghiệm, từ các chuyên gia đầy bằng cấp…mà từ chính bố mẹ, từ chính những trẻ là anh là chị hay thậm chí là con ..hàng xóm ! Những điều đó bắt đầu từ những hướng dẫn không bó buộc, không từ chương to tát mà chỉ là những điều nhỏ nhặt, được xem là các trò chơi vui vẻ, để trẻ tự làm… một cách tự nhiên với một chữ : cùng nhau! Cha mẹ sẽ cùng làm, cùng chơi, cùng vui, cùng cố gắng hòa mình với trẻ… không hề có một luật lệ nào ngoài chữ : Tôn trọng ! Không hề có một bó buộc nào ngoài chữ yêu thương. Không hề có một áp lực nào ngoài chữ vui vẻ !
Trẻ thích nhất điều gì ? Chơi ? thì ta cho chơi – ăn cũng chơi, làm cũng chơi mà học cũng là chơi ! Hãy quan sát một đứa trẻ khi chơi – chưa khi nào có một sự tập trung như thế, có một sự hào hứng như thế và cũng rất nỗ lực như thế – Hơn thế nữa, chơi là tự do, là tự nguyện là tự ý ….Có khi nào ta gặp một đứa trẻ vừa khóc vừa chơi ? có khi nào đứa trẻ chỉ có thể chơi với..cái roi bên cạnh! Có phương pháp nào được như thế không ? có giờ học nào được như thể không ? Và chỉ có những giáo viên thực sự “đẳng cấp” mới có thể giúp cho trẻ Học như Chơi !
Cũng như cái suy nghĩ – Học là phải dạy, mà dạy là phải có người dạy, phải có bài học …. Thì cái suy nghĩ chơi thì chỉ tổ mất thời gian, chỉ làm cho trẻ ..hư thôi, chẳng có gì hay ho mà trẻ có thể phát triển, tiến bộ qua chơi được …vẫn là suy nghĩ chủ đạo! Bởi vì đa phần người lớn chỉ biết dạy chứ không biết..chơi!
Học như chơi ? thế chơi có phải học không ? Phải học chứ, học thật lực nữa là đằng khác …nhưng học là phải dạy ? phải buộc trẻ tuân theo các nguyên tắc ? Chơi cũng thể, cũng là dạy, nhưng ta không nói miệng mà là bầy vẽ , là làm mẫu cho các em tự ý bắt chước theo, không hề có sự bắt buộc ở đây, và cũng không hề có sự dựa dẫm, nhờ vả hay làm thay ở đây. Nguyên tắc là phải chơi đúng – nhưng sai cũng không sao, trẻ sẽ thấy ngay là nếu làm sai sẽ không có kết quả và sẽ tự sửa chữa, điều chỉnh . Chơi có kỷ luật không ? Có chứ, nếu vi phạm thì sao ? Thì ..nghỉ chơi , mà nghỉ chơi thì ..buồn lắm , nên phải tự chấp hành kỷ luật thôi. Có chấp hành thì mới có kết quả tốt, mà có kết quả tốt thì mới vui. Vui chính là động lực và cũng là mục tiêu . Ai cũng nói là Vui chơi, chứ không ai nói là buồn chơi ! Vậy thì cứ ..chơi đi nhé …Đời cũng chỉ là một ..trò chơi thôi mà !
Chiều CN 07/6, đi dự buổi họp mặt cựu sinh viên của khoa Phụ Nữ Học ( sau 2 năm đổi tên là khoa Xã Hội học còn nay là khoa Xã hội học – Công tác Xã hội – Đông Nam Á học ) của trường Đại học Mở – Bán Công TPHCM. Ngồi nhìn các bạn cũ, thầy cô xưa … chợt nghĩ đến những điều đầu tiên trong cuộc đời và nhận ra là mình có lắm cái đầu tiên.
Cái việc đầu tiên là sau khi học xong lớp 12, đã dự thi kỳ thi tú tài theo hình thức trắc nghiệm, đầu tiên và cũng là cuối cùng của chế độ VNCH. Đến năm 1974, cũng lại trở thành sinh viên của trường ĐH Nhân văn & Nghệ Thuật ( của Viện Đại học Minh Đức ) cũng là khóa đầu tiên và cuối cùng vì kết thúc nửa chừng do biến cố 1975..
Từ 1975 – 1985 sau gần 10 năm lận đận trong dòng đời – Bắt đầu việc làm tại Trung tâm Sức Khỏe Tâm Thần TPHCM ( Sau lại đổi tên là Bệnh viện Tâm Thần ) Lại là người đầu tiên mở một ngôi trường cho trẻ Chậm phát triển dưới tên Trường Tương Lai Q,1 theo mô hình “ Phụ huynh tự nguyện đóng góp “ và cùng với chính quyền địa phương quản lý trường, khác với cách tổ chức của hệ thống trường Tương Lai của các quận khác..
Đến 1992 khoa Phụ nữ học ( thực chất là ngành Công Tác Xã Hội ) mở lớp về CTXH đầu tiên – tớ cũng là sinh viên của khóa đầu tiên và cũng là cuối cùng của danh xưng Phụ Nữ học ( 2 năm sau đổi thành khoa Xã hội học ).
Với cái tính thích đi đây đó – Tớ cũng là nhân viên được cử lên Đà Lạt cùng với hội Phụ Nữ tỉnh Lâm Đồng và các Soeur dòng Vinh Sơn – mở ra ngôi trường “ Hoa Phong Lan” là trường đầu tiên dạy trẻ Chậm phát triển tại TP Đà Lạt ( 1987) . Hoạt động này cũng là động lực thúc đầy cho một số địa phương mở ra các trường chuyên biệt cho trẻ Chậm phát triển sau này ( lúc đó chưa có khái niệm về trẻ Tự kỷ ) dưới cái tên chung là trường chuyên biệt Tương Lai .
Hệ thống các trường dạy trẻ Khiếm Thính có tên Hy Vọng, cũng là xuất phát từ một lớp học tại khoa tâm thần trẻ em 197 Phan Đăng Lưu – nơi tớ công tác , sau đó chuyển sang trường Tương Lai Quận 1, rồi tách riêng ra thành 2 đơn vị là trường chuyên biệt Hy Vọng Bình Thạnh và trường chuyên biệt Hy Vọng 1 tại Nhà Thờ Đức Bà – Q.1 .
Đến năm 1991 – một bước ngoặc lớn trong cuộc đời đến với tớ khi tham dự hội thảo “ Nghiên cứu về tâm lý Lâm sàng Trẻ em Việt Nam” do trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em của BS Nguyễn Khắc Viện ( ra đời năm 1989 ) lần đầu tổ chức tại Hà Nội. Trung tâm NT ( Nghiên cứu Tâm Lý Trẻ em ) cũng là một NGO đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tâm lý lâm sàng trẻ em – một lĩnh vực mới mẻ của VN
Sau hội thảo, quay về Sài Gòn, từ giã Trung tâm Sức Khỏe Tâm thần , nơi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ (buồn nhiều hơn vui ) ,cũng là người tham gia tổ chức văn phòng NT2 ( chi nhánh của NT Hà Nội ) lần đầu tiên mở ra và hoạt động như 1 phòng khám tâm lý tự chủ về tài chính tại TP HCM từ 1993 cho đến năm 2001 . ( Tớ du học bên Pháp năm 2000 )
Trong vai trò một chuyên viên Tâm lý , tớ cũng hoạt động trong ngành công tác xã hội với dự an Tương Lai – nơi tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho trẻ đường phố ( một trong nhóm trẻ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt ) cũng là 1 hoạt động đầu tiên trong lĩnh vực này. Sau đó là vai trò của chuyên viên tham vấn cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Y Tế Quận 7 .trước khi lên đường qua Mỹ năm 2007 ( lần đầu và chắc cũng là lần cuối ).
Đến năm 2010, lại được mời tham gia hoạt động trong vai trò chuyên viên tâm lý – giáo dục tại trường LiMa , một đơn vị trực thuộc hệ thống PACE ( Một đơn vị đào tạo doanh nghiệp ) – Lima cũng được xem là đơn vị đầu tiên trong lĩnh vực giáo dục kỹ năng sống cho các Phụ huynh và trẻ em từ Mẫu Giáo – Tiểu học và Trung Học. Dù chỉ hoạt động được 1 năm, nhưng Lima được xem là nguồn thúc đầy cho các đơn vị khác trong hoạt động huấn luyện Kỹ Năng sống phát triển ồ ạt trong thập niên 2010 – 2020.
Sau Lima – lại do một cơ duyên đẩy đưa để đến với thành Phố Vũng Tàu , cùng với một số “ bạn hữu” mở ra trung tâm “ Rồng Việt Vũng Tàu” cũng là đơn vị đầu tiên tại TP Biển trong hoạt động giáo dục Kỹ năng sống cho học sinh và tư vấn tâm lý cho trẻ đặc biệt. Sở dĩ có cái tên Rồng Việt Vũng Tàu là do khi khời xướng, tớ có hợp tác với Cty cổ phần Rồng Việt tại Sài Gòn , và cũng là người đưa ra các hoạt động can thiệp cho trẻ đặc biệt tại đây, để từ hạt giống này, Cty Rồng Việt với chiến thuật phát triển qua việc hợp tác với các cơ sở địa phương để mở ra hàng loạt các Trung Tâm Rồng Việt ở các quận nội thành và ở các tỉnh. ( 24 chi nhánh TPHCM và 26 chi nhánh các tỉnh ).
Sau hơn 3 năm với quá nhiều sóng gió, xung đột và cảm xúc tại Vũng Tàu ( vẫn là buồn nhiều hơn vui ) … Lại cũng do “ cơ duyên” mà về Sai Gòn mở ra các khóa huấn luyện cho Giáo viên và phụ huynh trẻ Đặc Biệt năm 2015. Ban đầu, chỉ nghĩ là mở ra cho GV tại Sài Gòn, nhưng sau khi giới thiệu lên Face book – thì các phụ huynh ở Hà Nội đã có đề nghị tổ chức . Thế là bắt đầu cho một chuỗi hành trình tập huấn và hội thảo được thực hiện tại hầu hết các tỉnh thành khu vực phía Bắc, từ Móng Cái, Lào Cai, Thái Nguyên , Lạng Sơn…cho đến Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh và các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng – Nha Trang rồi Pleiku , Buôn Mê Thuột Tây Ninh và các tỉnh Miền Tây như Cần Thơ, Cà Mau …
Hành trình rong duổi, vừa tập huấn vừa đi chơi của một anh chuyên viên tâm lý “ độc hành đại đạo” với các khóa tập huấn có lẽ cũng hấp dẫn , khiến các “chuyên gia” động lòng, để rồi sau đó rất nhiều các “cao thủ võ lâm” của các đơn vị Nhà nước cũng như tư nhân, nhảy vào hoạt động “huấn luyện tập huấn” trong lĩnh vực Giáo dục đặc biệt – mở ra phong trào huấn luyện rất sôi nổi cho đến tận ngày nay.
Cũng trong thời gian “ chìm đắm” trong các hoạt động đó , lại có 2 hoạt động “nhớ đời” là tham gia với Công ty Giáo Dục Kidstime ( Hà Nội ) với vai trò phó chủ tịch hội đồng chuyên môn – để mở ra chi nhánh Kidstime Bình Thạnh tại TP.HCM. Hoạt động thứ 2 đáng nhớ hơn và sau một buổi nói chuyện “cho vui” lại đưa đẩy đôi chân đến với ngôi trường Bình Minh ở Từ Sơn – Bắc Ninh với vai trò chuyên viên – được làm quen với 1 cô giáo đặc biệt để có những buổi chém gió say sưa hơn 3 giờ và những buổi hội thảo từ 9h sáng đến tận 17h chiều mà người dự vẫn còn chưa muốn chấm dứt. Cũng có thể gọi là những chuyện đầu tiên… với nguồn cảm hứng này, sau cuốn sách đầu tiên viết về Trẻ đặc biệt là cuốn “ Trẻ Tự kỷ – những thiên thần Bất Hạnh năm 2004 – sau đó là hơn 10 đầu sách về giáo dục và giáo dục đặc biệt ( 2004 – 2012) , thì mãi đến 2019 tớ mới tiếp tục cầm viết để có tập sách : Cùng con vượt qua hàng rào Giao Tiếp.
Đến hôm nay, khi quá tuổi về hưu, lại lặn lội xuống huyện Chợ Mới tỉnh An Giang – để phụ trách vai trò GĐ Chuyên Môn cho một trung tâm lần đầu tiên mở ra ở một thị trấn miền Tây Nam bộ với diện tích 3000 m2 và đầy đủ cả 3 lĩnh vực : Y Tế – Tâm Lý – Giáo dục với các khu vực sân Chơi ngoài trời, Phòng Tâm vận động ,phòng can thiệp giáo dục cá nhân và khu Phục hồi chức năng cùng các công trình phụ trợ như hồ bơi, vườn cây ăn trái vườn rau xanh và vườn hoa. Đây thực sự là một điều mơ ước của tớ trong suốt hành trình gần 30 năm hoạt động trong lĩnh vực này để lại có thể bắt đầu “nghĩ ra” những cái “đầu tiên” trong các kế hoạch can thiệp – giáo dục – hướng nghiệp cho trẻ đăc biệt và sau này là trẻ em nghèo tại địa phương.
Nhìn lại quãng đời đã qua, gắn bó với ngành tâm lý và giáo dục đặc biệt – với những sáng kiến và đóng góp trong những hoạt động đầu tiên – và dĩ nhiên là không thể gọi là hoàn thiện nếu so với những người tổ chức những hoạt động sau này trong lĩnh vực GDĐB . Một lĩnh vực thực sự phức tạp, đa dạng và khó khăn…Đòi hòi sự tham gia và phối hợp của nhiều tổ chức, nhiều chuyên viên đa ngành, ( Y tế – Giáo dục – Tâm lý ) cho đến nay vẫn chưa thể nói là ổn định, dù đã có những bước tiến vượt bực, mà những người tiên phong như tớ không thể hình dung được trong những năm của các thập niên trước đây.
Dẫu sao thì cho đến một ngày nào đó nếu có thể “rửa tay – gác kiếm” tớ vẫn cảm thấy hài lòng về những điều đầu tiên mà mình đã làm được – và cũng thỏa lòng với con đường lận đận gian nan mà tớ đã trải qua trên đất khổ, để không phải nuối tiếc con đường mà mình đã chọn vào năm 1990 – con đường của một chuyên viên tâm lý lâm sàng trẻ em.
Trong hoạt động can thiệp trẻ tự kỷ – ngoài mục tiêu tác động để trẻ biết nói, đa phần phụ huynh thường ưu tiên về những kỹ năng mà trẻ cần phải đạt được về mặt kiến thức – Để có thể đi đến mục đích quan trọng nhất mà con cần phải đạt được : Mái trường hòa nhập. Phần lớn, khi đã nỗ lực can thiệp cho con có ngôn ngữ, nói được, biết trả lời đúng ngữ cảnh , ai cũng đặt ra câu hỏi : Con tôi đã hòa nhập được chưa ? Nếu như có trung tâm hay giáo viên nào “dám” nhận định : Cháu tuy có ngôn ngữ, biết trả lời, có khi còn biết hỏi nữa – dù câu hỏi và trả lời vẫn còn thô sơ, mà đưa ra lời khuyên : Cháu cần phải biết thêm nhiều kỹ năng nữa, nhất là các kỹ năng cá nhân – Là có khả năng, Phụ huynh sẽ “say goobye” để đi tìm nơi dám nói “chắc nịch”: Cháu đi học hòa nhập được mà – Chị cứ cho cháu đến trường, rồi cháu chơi với bạn, thì cháu dần dần sẽ khá hơn, biết phát triển các kỹ năng giao tiếp. Điều này có thể đạt được nếu không phải là trẻ rối loạn phát triển, mà chỉ là chậm nói đơn thuần ở mức độ nhẹ.
Nhưng đó là ước mơ tốt đẹp nhất của Phụ huynh trẻ RLPT mà ít ai dám hay nỡ phá vỡ, chỉ có thể để cho phụ huynh tự rút ra bài học sau khi trẻ lên 10 – lên 12 … dù đã nhập đủ loại trường, ngồi đủ loại lớp nhưng vẫn không thể hòa được với chúng bạn, thậm chí có khi còn thoái lùi trong các hoạt động tương tác và có khi còn bộc lộ ra những phản ứng rất khó lường về hành vi và cảm xúc. Thì đến lúc đó, PH mới rút kinh nghiệm khá muộn màng trong việc định hướng cho con.
Có một vài phụ huynh đã tâm sự – Giá như khi cháu còn nhỏ, tôi biết tập trung cho cháu những kỹ năng cá nhân thiết yếu, biết tự phục vụ bản thân, biết cùng làm việc nhà với mẹ, thì đến bây giờ cho dù cháu còn kém cỏi về văn hóa, nhưng cũng không khiến cho bố mẹ vẫn cứ phải phục vụ một cậu thiếu niên khôi ngô đĩnh đạc nhưng vụng về trong các các hoạt động cá nhân như một đứa trẻ lên ..ba ! Thế nhưng, nếu như có phép màu kéo lui lại thời gian – thì có lẽ Phụ huynh vẫn cứ tiếp tục xây ước mơ con mình có thể bước vào một ngôi trường, ngồi chung với các bạn …. Hơn là xắn tay lên để huấn luyện con những chuyện lặt vặt trong gia đình , vì đối với PH thì đó không phải là điều quan trọng càng không phải là mục tiêu của “chương trình can thiệp” cho trẻ hòa nhập!
Những chuyện tự biết ăn uống, tắm rửa, quét dọn nhà cửa .. đâu phải là mục tiêu được đặt lên hàng ưu tiên ? Đã có bố mẹ và ô sin hay chính bố mẹ cũng là ô sin, phục vụ con tận răng, chỉ yêu cầu là con phải biết học, biết đọc, viết, làm toán ..mà mục tiêu là phải vào tiểu học cho bằng được, rồi sau đó lên trung học ….Tuy không mong con vào Harvard nhưng ít ra thì cũng phải hết cấp Ba, vào cao đẳng mới may ra có thể sống được trong xã hội này – Trong khi ngoài xã hội hiện nay, không thiếu các bạn trẻ cũng chỉ vì giấc mơ Đại học mà đã trở thành cử nhân xe ôm – được mặc áo xanh, áo đỏ làm việc cho tập đoàn nước ngoài và đi đây đi đó suốt ngày trong thành phố !
Đó là chưa nói đến những trường hợp đau lòng, khi đứa trẻ phải “cách ly xã hội bắt buộc” không phải trong 14 ngày – mà đằng đẵng từ năm này qua năm khác – không phải vì sợ dịch Covid – mà sợ nếu cho trẻ bước ra ngoài, đến trung tâm can thiệp thì mang tiếng mình là người thế nào mới có một đứa con như vậy ! Còn cho con đến trường bình thường thì ba bảy 21 ngày là đưa con về, vì bạn bè không chịu chơi, không chịu nhường nhịn nó, và cô giáo cũng không ưu tiên chăm sóc nó, và cũng không chiu đựng được những hành vi bất thường của con, dù đã có gủi gắm ? – Mình đủ điều kiện nuôi con ở nhà, thuê hai ba cô giáo đến dạy con, trang bị cho con đủ loại đồ chơi hàng hiệu, có cả osin riêng để phục vụ, thì cần gì phải cho nó đi can thiệp cho vất vả ? – Đứa trẻ ở nhà, như một con chim trong cái lồng son , cho dù chưa có khả năng tự giao tiếp, nhưng nếu được hướng dẫn bằng thực hành trong môi trường xã hội thì có thể đạt được những giao tiếp cơ bản. Đã không được tương tác với các cảm xúc tích cực trong các hoạt động vui chơi với GV, với các trẻ khác , trẻ sẽ như một miếng bọt biển, hút tất cả những cảm xúc tiêu cực chung quanh trong cái “ lồng son vĩ đại” đó – Bữa nào bố mẹ vui vẻ, thoải mái thì con cũng bớt lo lắng, căng thẳng. Thế nhưng, cuộc sống gia đình thì làm sao tránh khỏi những lúc “cơm không lành, canh không ngọt” hay có khi , bố mẹ mang những áp lực, căng thẳng và phiền muộn từ cơ quan, công ty về nhà với một tinh thần mệt mỏi, khó chịu… Thì các cảm xúc đó sẽ lan tỏa trong gia đình, và đứa trẻ lãnh đủ mà bố mẹ không hề biết !
Đã có những trường hợp, một bạn VIP đi học vui vẻ, nhưng một hôm đến trường thì khóc la , cô giáo không thể dỗ dành. Khi hỏi ra thì hôm trước, bố mẹ cãi nhau làm cho trẻ hoảng sợ, nhưng trẻ không phản ứng ngay, mà đến hôm sau khi đến trường trẻ mới bộc lộ ra . Cũng có trường hợp, trẻ đang vui vẻ học ở nhà , thế rồi vào một ngày đẹp trời, khi cô giáo đến can thiệp như thường lệ, thì trẻ bùng nổ những hành vi tiêu cực, có khi la hét không sao kiểm soát được, mặc dù bình thường tre rất nghe lời cô. Đó chính là dấu hiệu cho thấy trẻ đã bị “nhiễm” sự lo lắng căng thẳng ngay tại gia đình minh, và chỉ có những hoạt động bên ngoài môi trường gia đình , trong một thời gian mới có khả năng “điều trị”, chứ không phải một vài buổi đi chơi, du lịch với gia đình là đã giải quyết được vấn đề.
Có thể nói, một bạn nhỏ có tình trạng tự kỷ nếu có được bố mẹ chấp nhận tình trạng của con, thống nhất với nhau trong việc can thiệp, coi trọng những phát triển về cảm xúc, đầu tư cho con nhận biết những kỹ năng cá nhân thiết yếu và thực tế trong cuộc sống hàng ngày, trước khi đặt ra mục tiêu biết đọc biết viết để đi học lớp một. Thì đó là một niềm vui cho các bạn ấy , chính niềm vui được là chính mình đó sẽ tạo niềm vui cho bố mẹ khi trẻ đã lớn lên, cho dù khả năng văn hóa có hạn chế, nhưng các kỹ năng cá nhân và khả năng tương tác xã hội đạt được những kết quả tốt, thì nó có thể giúp cho trẻ không phải là “hòa nhập” mà là biết “thích nghi “ với môi trường xung quanh, để từ đó – có một cuộc sống ổn định với tình trạng tự kỷ của mình.
Tại sao lại với tình trạng tự kỷ ? bởi vì cho đế nay, người ta vẫn phải chấp nhận là tình trạng rối loạn Phát triển lan tỏa – một tên gọi khác của chứng Tự kỷ , là một rối loạn không thể chữa lành ! Hãy thử hỏi phu huynh của các trẻ lớn – dù có can thiệp tốt đến đâu, thì khả năng thích nghi, linh hoạt với cuộc sống vẫn còn những hạn chế – các em không thể cư xử một cách hoàn toàn như một người bình thường – vì thể, trẻ tự kỷ khi lớn lên sẽ là người tự kỷ ! Chỉ có điều khác biệt là nếu được đầu tư về mặt cảm xúc – thì đó sẽ là một đứa trẻ tự kỷ thoải mái, vui vẻ và khi lớn lên sẽ là một người tự kỷ hạnh phúc . Đó không phải là mục đích của giáo dục hay sao ? Ngay cả một người bình thường, nếu thiếu kỹ năng sống cho dù có được giáo dục đầy đủ, thậm chí bằng cấp đầy người, cũng vẫn có những căng thẳng không thích nghi được với cuộc sống – có thể đi đến trầm cảm hay suy nhược thần kinh – rối loạn cảm xúc hưng trầm cảm – mà nhiều người gọi đó là “tự kỷ” – Trong khi đó, chính các trẻ Tự kỷ “chính hiệu” thì lại bị ép vào một cái khuôn – để phải bước chân vào ngưỡng cửa nhà trường đánh vật với chữ và nghĩa, với một “hy vọng hão huyền” của bố mẹ là biết đâu – nhờ môi trường bình thường xung quanh trẻ, các em sẽ “dần dần hồi phục” các em sẽ chơi với trẻ bình thường để trở nên bình thường – Điều đó có thể đúng với các trẻ không phải là tự kỷ nhưng bị “dán cho cái nhãn Tự kỷ” – điều đó có thể đạt đươc trong một số lĩnh vực nào đó. Nhưng có thể nói rằng, dù như thế nào thì trẻ Đặc biệt ( bao gồm Tự kỷ – tăng động kém chú ý và Chậm phát Triển ) vẫn không thể có khả năng “ quản lý cuộc đời” – Các em có thể không còn các vấn đề về ngôn ngữ, giao tiếp, hành vi … Thậm chí các em có thể là HS giỏi toán, giỏi tin học . Nhưng các em vẫn khó có thể có khả năng đối phó với những “ tráo trở” hay sự phức tạp về ứng xử trong cuộc sống đời thường – Các em luôn là những người “ thật như đếm” không hề biết nói dối mà không chớp mắt – không bao giơ là những kẻ “nói vậy mà không phải vậy” hay nói một đằng làm một nẻo ! Nhưng cũng chính vì điều đó, mà các em rất kém cỏi trong khả năng thích nghi với cuộc sống trong xã hội của những người “bình thường” .
Là bố mẹ, ai cũng mong con có cuộc sống hạnh phúc, an lành và có khả năng tự lo cho bản thân, vì vậy thay vì cứ mải miết chạy theo hy vọng “ hòa nhập” mà đem con đi “ chữa trị” với đủ kiểu can thiệp trên đời để mong con “trở lại bình thường” hay có khi lại xây cho mình cái ảo tưởng là con đang trở nên bình thường với những tiến bộ trong việc học, mà không để ý đến những cảm xúc tiêu cực của con trước áp lực của các phương pháp can thiệp nghiêm nhặt, mà phụ huynh quyết tâm đạt cho bằng được!
Phụ huynh cần thấy rằng, niềm vui mà con mong muốn, không ở đâu xa, đó chính là những cảm xúc tích cực mà mình dành cho đứa con yêu dấu ! Tuy nhiên điều nguy hiểm ở đây là đừng bao giờ phụ huynh “áp đặt và chiều chuộng” đứa con đặc biệt của mình ! Chiều chuộng là sự bao bọc, làm thay, đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ kể cả các yêu cầu có phần quá đáng, vì nó là một đứa trẻ đáng thương ! nên “thôi kệ” , nhưng còn áp đặt thì sao? Chính các hình thức kỷ luật cứng nhắc trong kỹ thuật can thiệp cho trẻ là sự áp đặt, chính việc bắt trẻ bằng mọi cách phải quy phục mình, dù là để tập cho tre nói hay dạy cho trẻ học cũng là sự áp đặt. Thậm chí, nếu như trẻ không thể hay chưa thể bước vào ngôi trường, mà mình cứ nhất quyết phải “nhét” cho bằng được đứa con của mình vào vì nó đã nói được, đã viết được, làm toán được, biết trả lời, biết đặt câu hỏi … như một trẻ bình thường thì tại sao không cho nó đi hòa nhập ? Thậm chí là buổi sáng đi hòa nhập, buổi chiều đi can thiệp ! Buổi tối về mẹ “rèn con” ! Đó cũng là sự áp đặt – và một sự áp đặt tệ hại, chứ đừng cho rằng đó là một biện pháp hiệu quả.
Phải chăng chỉ có con đường hòa nhập, chỉ có con đường đến trường, khoác cho bằng được bộ đồng phục tiểu học, trung học với phù hiệu của trường ABC nào đó mới mục đích của đời con ? Không cho đi học, không có cái chữ lận lưng, làm sao con có thể tự sống được sau này ? Thực ra, không phải là con chữ mà là những kỹ năng cá nhân, sự khéo léo trong một lĩnh vực nào đó mới sẽ là điều giúp con và quan trọng là niềm vui , sự thoải mái trong cuộc sống, khả năng quản lý cảm xúc của con mới là mục đích mà bố mẹ cần vạch ra và cùng con đạt đến . Chắc chắn là cho đến khi lớn, trẻ vẫn cần có người hỗ trợ trong việc quản lý và tổ chức cuộc sống ! Vì vậy, đừng để trẻ phải quá căng thẳng, lo lắng , khủng hoảng vì chính sự lo lắng, mệt mỏi của chúng ta. Những người lớn, những bậc cha mẹ của trẻ Đặc Biệt, đừng nên cố gắng “Dạy con trong hoang mang” mà hãy với con “ sống vui cùng tự kỷ” !
Những tháng ngày đại dịch đã đưa chúng ta vào nỗi bất an thường trực về một tương lai bất định ở nhiều mặt, từ sức khỏe cá nhân đến kinh tế thế giới, từ hoạt động hàng ngày đến kế hoạch tương lai. Sự bất an trong tâm của mỗi người đến từ cảm nhận về sự bất tri của chúng ta đối với những diễn biến đang hiện diện xung quanh.
Thay vì là một thế giới với những quy luật ổn định và mỗi người với những sinh hoạt ổn định, trong những ngày qua chúng ta lại bị ném vào một thế giới bất định. Một con virus có thể tiềm ẩn trong mọi người xung quanh, không có một triệu chứng nào rõ ràng. Những phương pháp chữa trị hay can thiệp chưa được nghiên cứu kỹ càng đem lại những kết quả không nhất quán.
Bản chất của con người luôn khao khát sự ổn định. Chính sự bất định đã khiến chúng ta có cảm thấy bất tri, và ý thức về việc bất tri này đã khiến chúng ta phải đối diện thường trực với nỗi bất an. Sợ hãi về sự bất định khiến chúng ta căng thẳng, lo âu, bất lực, và thậm chí có thể cả cảm xúc kiệt quệ về tinh thần.
Khả năng chịu đựng sự bất định của cuộc sống trong mỗi người chúng ta đều khác nhau. Có người tìm được niềm vui, thậm chí năng lượng trong sự phiêu lưu, với những biến cố và con người mới mỗi phút giây. Trong khi cũng có những người chỉ tìm được niềm vui khi mỗi ngày làm việc về nhà gặp lại những khuôn mặt thân quen quanh bàn cơm chiều.
Tuy nhiên, mỗi người đều có sự giới hạn chịu đựng sự bất định này. Đại dịch đưa chúng ta vào tình thế oái ăm, dù là kẻ phiêu lưu hay người của gia đình. Kẻ phiêu lưu bị giam hãm ở nhà với những nề nếp nhàm chán còn người của gia đình thì phải đối đầu với các xáo trộn về thói quen ăn, học, làm trong thời gian cách ly.
Vì sao chúng ta lại bất an khổ sở khi đối diện với sự bất định và cảm giác bất định đến từ đâu? Lý thuyết về tương quan giữa sự căng thẳng, khung nhận thức (cognitive schema), và sự bất định của Giáo sư Merle H. Mishel thuộc Đại học North Carolina về bệnh nhân ung thư có thể cho chúng ta hiểu rõ hơn về cơ chế bộ ba bất định-bất tri-bất an này.
Trong Tâm lý học và Khoa học về Nhận thức, “khung nhận thức” là một hệ thống suy nghĩ và hành vi cá nhân có chức năng hệ thống hóa, thông hiểu thông tin tiếp nhận cũng như quan hệ giữa những thông tin này. GS Mishel cho rằng sự bất định xảy ra khi một khung nhận thức vốn sẵn có của một cá nhân đã không thích ứng được với hoàn cảnh mới, biểu hiện qua việc nó không thể giải thích hay tiên đoán được những thông tin có liên quan đến biến cố.
Sự bất định này sẽ dẫn đến những căng thẳng tâm lý nếu những phản ứng thích nghi của khung nhận thức sẵn có không thể giải thích sự bất định một cách hiệu quả hay quản lý tốt những cảm xúc tiêu cực. Nếu khung nhận thức cũ không thể tự điều chỉnh và hệ thống hóa được các thông tin liên quan đến biến cố, sự bất an sẽ phát sinh.
Nếu khi điều trị về thể chất chúng ta thường vẫn có những phương pháp sơ cứu và tự bảo vệ sức khỏe trước khi giao trách nhiệm vào tay bác sỹ và y tá thì tương tự, về tâm lý chúng ta cũng cần những kiến thức về cơ chế của những cảm xúc – từ bất an đến giận dữ, những rối loạn từ căng thẳng đến trầm cảm – để tự sơ cứu và bảo vệ sức khỏe tinh thần của chính mình.
Trong thời điểm này, những phương pháp phòng vệ và bảo đảm sức khỏe tinh thần lại càng cấp thiết.
Bất an là nguồn cơn của nhiều cảm xúc tiêu cực khác
Như trong lời kinh Bình An (Serenity Prayer) của nhà thần học Reinhold Niebuhr, “Xin thượng đế cho con sự bình an để chấp nhận những gì con không thể thay đổi, can đảm để thay đổi những gì con có thể thay đổi, và trí tuệ để phân biệt chúng”, hơn bao giờ hết chúng ta cần trí tuệ để phân biệt những gì có thể kiểm soát và thay đổi với tình hình sau đại dịch này.
Điều đầu tiên chúng ta cần làm là giới hạn việc đắm chìm trong biển tin tức về đại dịch, mà trong đó không ít những tin giả được tung ra bởi những lực lượng muốn lợi dụng biến cố này để triệt hạ lẫn nhau. Điều này cần thực hiện không chỉ trong lúc cách ly mà còn ngay cả sau giai đoạn này.
Nếu có thể, chúng ta giới hạn việc đọc tin tức về đại dịch chỉ vào những giờ nhất định trong ngày khi còn hưng phấn và tỉnh táo với năng lượng bản thân ở mức cao nhất.
Chúng ta cũng nên chỉ chọn một số nguồn tin đáng tin cậy, nên chọn những nguồn nhiều chiều nhưng vẫn phải bảo đảm độ khách quan và trung thực, và khi đọc chúng ta cũng cần phân biệt giữa dữ kiện và quan điểm.
Càng nhiều thông tin, khung nhận thức của chúng ta càng phải chịu gánh nặng (cognitive load) để xử lý và hệ thống chúng. Vì vậy, việc giới hạn và tuyển chọn thông tin giúp chúng ta tránh được tình trạng bất tri, hoang mang trước các nguồn thông tin hỗn độn.
Việc duy trì lẫn sắp xếp lại một quy trình sinh hoạt trong ngày sau giai đoạn cách ly cũng rất quan trọng, không chỉ cho chúng ta mà cả người thân.
Chẳng hạn, tuy những hoạt động và công việc ở sở nay phải đem về nhà trong một khung cảnh và nhân sự khác biệt, việc sắp xếp lại công việc ở sở, ở nhà, ở trường vào một thông lệ lẫn quy trình dù mới sau mùa cách ly giúp chúng ta tránh khỏi cảm thức bất định.
Điều này cũng áp dụng cho nề nếp sinh hoạt nghỉ ngơi của gia đình. Một nề nếp ổn định sẽ giúp chúng ta giảm bớt sự lo lắng vì những bất định của thế giới ngoài kia đang trải qua mùa dịch.
Dù nỗi bất an đã hiện diện hay sẽ phát khởi, chúng ta vẫn có nhiều phương tiện để hóa giải những cảm xúc tiêu cực này. Không cần phải đi vào chi tiết, chúng ta cũng đều ý thức rằng nỗi bất an vẫn là nguồn gốc của nhiều cảm xúc tiêu cực khác.
Khi bất an, chúng ta dễ tức giận với hành động của gia đình hay đồng nghiệp, cũng như dễ sầu não bi quan với những nghịch cảnh thách thức. Và khi sự bất an đi đến mức vượt sự chịu đựng dù chỉ là tiềm thức, nếu không ngã quỵ thì chúng ta lại chạy trốn vào mua sắm (shopaholic), nghiện ngập (alcoholic), làm việc điên cuồng (workaholic)…
Trong quy trình hóa giải cảm xúc tiêu cực, ít khi chúng ta ý thức được rằng chỉ cần ngồi yên, lặng lẽ quan sát những biểu hiện cảm xúc (emotion) thông qua cảm giác (sensation) và không “đổ dầu thêm lửa”.
Khi không tiếp tục suy nghĩ hay bị cuốn theo những suy nghĩ tiêu cực thì những cảm xúc tiêu cực này cũng sẽ qua đi, và nhanh hơn cả khi chúng ta không can đảm đối diện chúng.
Hãy ngồi xuống, thư giãn tâm thân, lặng lẽ theo dõi những biến chuyển của cảm xúc và cảm giác một cách khách quan và trung thực.
Tóm tắt: Tại Việt Nam hiện nay, ngành giáo dục đặc biệt đã có những thành tựu đáng kể, số lượng và chất lượng giáo dục trẻ khuyết tật từng bước nâng cao. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những điểm hạn chế cần được sớm giải quyết như: chưa thống nhất về số liệu trẻ khuyết tật, Luật người khuyết tật còn một vài điểm bất cập, việc thực thi luật còn thiếu đồng bộ, công tác đào tạo nguồn nhân lực thực hiện còn hạn chế. Nhằm khắc phục những hạn chế đó, tác giả đã đưa ra một số giải pháp cụ thể, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục trẻ khuyết tật trong những năm tiếp theo.
1. Đặt vấn đề
Ngành giáo dục đặc biệt Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây đã đạt được những thành tựu đáng kể. Gần đây nhất, tác giả Nguyễn Đức Hữu – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học- đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ hai dưới sự phối hợp thực hiện của Trường Đại học Wakayama và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bài viết đã cung cấp cho người đọc những thông tin cơ bản, đầy đủ và toàn diện về thực trạng giáo dục trẻ khuyết tật (GDTKT) ở Việt Nam và những định hướng phát triển trong giai đoạn từ 2015 đến 2020. Trong đó, có thể thấy những thành tựu nổi bật như: quy mô giáo dục ngày càng được mở rộng, hệ thống văn bản pháp lí nền tảng đã được ban hành, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho giáo dục đặc biệt tiếp tục được duy trì và phát triển, công tác quản lí giáo dục trẻ khuyết tật ngày càng hiệu quả và công tác xã hội hóa giáo dục cũng đã có nhiều kết quả, đã xác định được phương thức GDHN là phương thức giáo dục chủ yếu đối với người khuyết tật. Bên cạnh đó, bài viết cũng chỉ ra nhiều thách thức cho cho giáo dục đặc biệt ở Việt Nam như: nhận thức của xã hội về trẻ khuyết tật và tầm quan trọng của GDTKT chưa cao, hệ thống dịch vụ hỗ trợ chuyên môn còn yếu, chất lượng giáo dục còn nhiều hạn chế, đội ngũ làm việc trong các cơ sở giáo dục người khuyết tật và trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo về GDTKT còn thấp…
Bài viết này sẽ tập trung phân tích một số những thách thức nổi bật của công tác GDTKT. Trong đó, có những thách thức đã được nêu trong báo cáo của tác giả Nguyễn Đức Hữu và một số vấn đề khác từ chính góc nhìn của tác giả bài viết này. Từ đó, đưa ra một số biện pháp thúc đẩy giáo dục đặc biệt trong thời gian tới.
Những thách thức cần giải quyết của GDTKT Việt Nam
Chưa có số liệu chính xác về số lượng người khuyết tật và trẻ khuyết tật trong độ tuổi
Giáo dục trẻ khuyết tật ở Việt Nam hiện nay chưa có được chương trình hành động mang tính chiến lược tổng thể và những giải pháp cụ thể, một trong những nguyên nhân chính là chưa có số liệu chính xác về số lượng người khuyết tật và số lượng trẻ khuyết tật trong độ tuổi từ 0 – 18 tuổi. Các thống kê của ngành Lao động thương binh và xã hội và ngành giáo dục có sự khác biệt nhau do tiêu chí xác định dạng khuyết tật, độ tuổi…
Theo số liệu của TS Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc Trung tâm Thông tin và Tư liệu Dân số năm 2010, ước tính ở Việt Nam có khoảng 5,1 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 6% dân số, trong đó có 1,1 triệu khuyết tật nặng, chiếm 21,5% tổng số người khuyết tật. Tỷ lệ các dạng khuyết tật ước tính là: khuyết tật vận động – 29%, khuyết tật tâm thần – 17%, khuyết tật thị giác – 14%, khuyết tật thính giác – 9%, khuyết tật ngôn ngữ – 7%, khuyết tật trí tuệ – 7% và 17% các dạng tật khác. Ước tính này so với thực tế còn nhiều mâu thuẫn. Chẳng hạn, theo thống kê của Phòng Kế hoạch Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM năm 2010, toàn thành phố có 42.324 người khuyết tật trong khi nếu tính theo tỷ lệ bình quân 6% người khuyết tật trên tổng dân số thì con số này phải cao hơn rất nhiều. Theo đó, nếu dân số TPHCM là 7.382.287 người (theo số liệu điều tra của tổng cục thống kê ngày 1/4/2010), toàn thành phố vào thời điểm đó phải có khoảng 442.937 người khuyết tật. Điều này cho thấy số liệu trẻ khuyết tật tại TP.HCM theo thống kê của Sở Lao động Thương Binh và Xã Hội TP.HCM còn khác biệt rất nhiều so với thực tế.
Ngược lại, nếu chỉ dựa trên số liệu ước tính thì cũng có thể sẽ đưa ra các chương trình hành động sai. Chẳng hạn, theo tỷ lệ ước tính của TS. Nguyễn Quốc Anh thì số lượng người mắc khuyết tật thị giác cao hơn rất nhiều so với các dạng khuyết tật khác. Và mặc dù, đây chỉ là tỷ lệ người khuyết tật theo các dạng tật chứ không phải theo độ tuổi, người ta vẫn suy ra rằng tỷ lệ trẻ khiếm thị nhiều hơn trẻ mắc các dạng khuyết tật khác, trong khi thực tế thì hoàn toàn ngược lại, các trường và chương trình giáo dục trẻ khiếm thị càng ngày càng giảm và các trường giáo dục chuyên biệt dành cho các dạng khuyết tật khác đặc biệt là trẻ khuyết tật trí tuệ và khuyết tật phát triển ngày càng tăng lên nhanh chóng.
Việc thiếu tin cậy trong thống kê số liệu người khuyết tật nói chung và số liệu trẻ khuyết tật trong độ tuổi đi học nói riêng đã ảnh hưởng rất lớn đến việc hoạch định các chính sách giáo dục cho trẻ khuyết tật nói riêng và người khuyết tật nói chung. Tất cả các hoạt động liên quan đến giáo dục trẻ khuyết tật đều có quan hệ mật thiết với việc xác định đúng số lượng trẻ khuyết tật, loại và mức độ khuyết tật của trẻ khuyết tật trong độ tuổi ở mỗi địa phương và trong cả nước. Con số này sẽ giúp ngành giáo dục và các ban ngành liên quan xác định được các loại hình và số lượng dịch vụ cần thiết cho người khuyết tật. Từ đó, hoạch định nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và tổ chức quản lý nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu giáo dục đặc biệt của trẻ khuyết tật.
Luật người khuyết tật năm 2010 vẫn còn vài điểm chưa hợp lí
Luật người khuyết tật ra đời năm 2010 khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với người khuyết tật và khẳng định chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về người khuyết tật là rất tiến bộ. Đây là cơ sở quan trọng để người khuyết tật được hưởng các quyền lợi và thực hiện trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, Luật người khuyết tật ở một vài điểm vẫn chưa được quy định và trình bày rõ ràng, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chế độ hỗ trợ, trong đó có các chương trình hành động liên quan đến giáo dục.
Chẳng hạn, điều 3 – khoản 1 của Luật có quy định về dạng khuyết tật bao gồm 6 dạng: (a) Khuyết tật vận động; (b) Khuyết tật nghe, nói; (c) Khuyết tật nhìn; (d) Khuyết tật thần kinh, tâm thần; (đ) Khuyết tật trí tuệ; (e) Khuyết tật khác nhưng ở khoản 3, điều 50 quy định về trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các cấp, Luật chỉ nhấn mạnh việc thống nhất về ngôn ngữ kí hiệu và chữ nổi Braille cho người khuyết tật nghe, nói và nhìn mà không làm rõ các dạng khuyết tật còn lại thì phương tiện hỗ trợ học tập như thế nào. Chẳng hạn, đối với khuyết tật vận động, việc phục hồi chức năng, vật lí trị liệu và sử dụng các thiết bị hỗ trợ vận động là hết sức cần thiết nhưng những quy định cụ thể và đặc thù cho loại khuyết tật này vẫn chưa được làm rõ, trong khi, theo rất nhiều nguồn thống kê khác nhau, tỷ lệ người khuyết tật vận động luôn chiếm tỷ lệ cao trong các dạng khuyết tật ở Việt Nam.
Việc thực thi Luật người khuyết tật còn chậm, thiếu đồng bộ và còn nhiều bất cập
Mặc dù Luật người khuyết tật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011, nhưng tốc độ thực thi rất chậm. Một số điều khoản quan trọng được người khuyết tật, gia đình người khuyết tật và xã hội đặc biệt quan tâm thì hầu như vẫn chưa được thực hiện một cách hệ thống và đồng bộ.
Chẳng hạn, điều 28, khoản 2 quy định rõ GDHN là phương thức giáo dục chủ yếu đối với người khuyết tật. Điều 29, khoản 1 cũng nêu rõ – Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tham gia giáo dục người khuyết tật, nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng đáp ứng nhu cầu giáo dục người khuyết tật. Và điều 30 cũng nêu rõ về trách nhiệm của cơ sở giáo dục người khuyết tật bao gồm: (1) – Bảo đảm các điều kiện dạy và học phù hợp đối với người khuyết tật, không được từ chối tiếp nhận người khuyết tật nhập học trái với quy định của pháp luật và (2) Thực hiện việc cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất dạy và học chưa bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật nhưng tình hình thực tế lại không diễn ra như vậy.
Theo kết quả khảo sát năm 2011 của Nguyễn Thị Tường Vân trên 38 trường mầm non hòa nhập tại 9 quận/huyện của TP.HCM – địa phương được đánh giá là đang thực hiện tốt nhất công tác giáo dục trẻ khuyết tật so với cả nước thì hiện trạng giáo dục trẻ khuyết tật theo phương thức GDHN còn nhiều hạn chế. Có 6.8% giáo viên dạy hòa nhập ở bậc mầm non được đào tạo về giáo dục đặc biệt và 35.1% giáo viên đang dạy hòa nhập ở bậc mầm non được tham gia các lớp bồi dưỡng về GDHN ở các mức độ khác nhau từ 3-5 ngày. Có tới 51.9% giáo viên mầm non chưa được bồi dưỡng về GDHN nhưng đang tham gia dạy trẻ khuyết tật học hòa nhập. Số cán bộ quản lí được đào tạo/bồi dưỡng về giáo dục đặc biệt cũng rất ít, chỉ có 7.9% (3 người) có trình độ cử nhân giáo dục đặc biệt. Với thực tế như vậy thì có thể chưa đủ để đảm bảo các điều kiện để thực hiện GDHN cho học sinh khuyết tật như trong Luật quy định. Ở các trường chuyên biệt, số giáo viên đã qua đào tạo/bồi dưỡng chuyên ngành GDĐB đạt 67.73%, trong đó trình độ chuyên môn chủ yếu là cao đẳng GDĐB (65.9%) và 34.1% trình độ đại học.
Một thực tế cũng khá bất cập đó là việc thiếu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ đối với giáo viên dạy trẻ khuyết tật. Hiện tại, các trường chuyên biệt vẫn phải áp dụng chuẩn giáo viên mầm non và phổ thông trong đánh giá năng lực giáo viên khuyết tật. Đây là một thực tế bất hợp lí, đi ngược lại với điều 50, khoản 1, mục đ của Luật người khuyết tật nêu rõ về “Quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, nhân viên chăm sóc người khuyết tật trong cơ sở chăm sóc người khuyết tật”
Công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực cho GDTKT còn nhiều bất cập
Hiện nay, đang có rất nhiều bất cập trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực GDTKT. Tại TP.HCM, địa phương được đánh giá là đơn vị đi đầu trong cả nước về chăm sóc và GDTKT, công tác này hiện cũng đang có nhiều vướng mắc. Bằng chứng là trong khi các nhà quản lí giáo dục kêu thiếu về nguồn nhân lực thực hiện GDHN thì sinh viên tốt nghiệp sư phạm giáo dục đặc biệt vẫn không thể tìm được một vị trí việc làm ở các trường mầm non và tiểu học công lập nơi có trẻ khuyết tật đang học hòa nhập. Mâu thuẫn này một phần do phần lớn sinh viên không có hộ khẩu thành phố nhưng nguyên nhân chính là do các trường công lập còn thiếu biên chế và vị trí việc làm cho giáo viên giáo dục đặc biệt. Ngoài ra, theo các nhà quản lí, còn có một nguyên nhân khác, đó là giáo viên giáo dục đặc biệt thiếu kiến thức và kỹ năng giáo dục nền tảng gắn với một bậc học nhất định. Chẳng hạn như, không thể dạy trẻ mầm non vì thiếu kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về giáo dục mầm non hay tương tự đối với các bậc học khác.
Ngoài ra, trong khi các trường không thể tuyển được giáo viên giáo dục đặc biệt thì tỷ lệ giáo viên đứng lớp dạy trẻ khuyết tật hòa nhập được bồi dưỡng và đào tạo về giáo dục đặc biệt nhìn chung còn rất thấp, đáng phải suy ngẫm như đã được nêu ra trong phần 2.3.
Những bất hợp lí này nếu không được khắc phục sớm sẽ là rào cản lớn cho việc triển khai thực hiện GDHN hiện nay nói riêng và việc đạt được các mục tiêu về giáo dục đặc biệt nói chung.
Một số đề xuất nhằm tháo gỡ thực trạng hiện nay
Cung cấp số liệu chính xác về người khuyết tật nói chung và trẻ khuyết tật trong độ tuổi nói riêng
Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội nên là đơn vị chủ trì trong việc điều tra tổng thể về người khuyết tật để có số liệu chính xác về người khuyết tật bao gồm: tổng số người khuyết tật và trẻ khuyết tật từ 0 – 18 tuổi trên phạm vi cả nước, tỷ lệ dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật… Trên cơ sở số liệu này, lập kế hoạch chiến lược trong vòng từ 5- 10 năm và kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, trong đó, xác định các nguồn lực cần huy động và nhiệm vụ của các ngành, đơn vị liên quan. Kế hoạch này cần có sự tham gia của các ngành và cơ quan chức năng liên quan như Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế. Từ đó, có thể ước tính được tổng chi phí cần cho việc thực hiện. Sau đó, căn cứ trên tổng kinh phí được duyệt chi, mà chọn các lĩnh vực, chương trình hành động ần ưu tiên thực hiện trước. Có như thế mới đảm bảo việc quy hoạch toàn diện cho GDTKT, tránh hiện tượng đầu tư dàn trải, chồng chéo, kém hiệu quả, trong khi kinh phí chỉ có hạn.
Tăng cường các biện pháp nhằm thúc đẩy GDHN cho trẻ khuyết tật
Bộ GD&ĐT cần có các chỉ thị cụ thể, toàn diện và kịp thời về quy trình thực hiện GDHN, đặc biệt nên sớm nghiên cứu ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên giáo dục đặc biệt, có quy định rõ ràng về vị trí việc làm của giáo viên giáo dục đặc biệt, sớm kiện toàn bộ máy quản lí giáo dục đặc biệt, sớm quy định về việc đưa học phần GDHN vào chương trình đào tạo của tất cả các ngành sư phạm của các trường sư phạm trong cả nước, đào tạo giáo viên GDHN theo bậc học và chuẩn bị các điều kiện thiết yếu khác cho các Trường hòa nhập và Trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN.
ThS. Hoàng Thị Nga
Khoa GDĐB, trường ĐHSP TP.Hồ Chí Minh Tài liệu tham khảo
Nguyễn Quốc Anh (2013), thực trạng người khuyết tật và kết quả thực hiện chăm sóc người khuyết tật,
Ban chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (6/2010), Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, NXB Thống kê Hà Nội,
Nguyễn Thị Tường Vân (2013), Công tác quản lí đội ngũ giáo viên mầm non dạy trẻ khuyết tật hòa nhập tại Thành phố Hồ Chí Minh, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Giáo dục đặc biệt – Hướng tới tương lai, NXB trường ĐHSP TP.HCM, trang 76-89
Luật người khuyết tật (2010), Quốc hội Số: 51/2010/QH12.
http://idea.ed.gov/explore/view/p/,root,regs,300,A,300%252E8,c,
Sau khi đã phát hiện con có vấn đề về ngôn ngữ, giao tiếp, hành vi thì bố mẹ thường phân vân việc Test ( đánh giá ) trẻ . Đánh giá được xem là bước đầu cho việc can thiệp , nó bao gồm hai bước :
Đánh giá sàng lọc : Ở bước này, thì hầu như đa phần phụ huynh hay giáo viên, hoặc một nhân viên nào có hiểu biết về các dấu hiệu của tình trạng rối loạn phát triển ( Bao gồm Tự kỷ, tăng động kém chú ý và chậm phát triển trí tuệ ) đều có thể dùng các dấu hiệu sàng lọc để phát hiện tình trạng tự kỷ bằng bảng sàng lọc M- Chat. Hoạt động này không quá khó , miễn là chúng ta biết rõ các dấu hiệu quan trọng để nhận biết, chứ không phải là mới chỉ có vài dấu hiệu như chậm nói, hay xoay tròn, đi nhón gót, không tương tác mắt … là đã dán luôn cho cái mác tự kỷ . Nhưng có một thực tế là không chỉ có phụ huynh là còn mơ hồ về tình trạng của con mình, mà ngay cả một số nhà chuyên môn, hay giáo viên đặc biệt can thiệp trẻ tại các cơ sở, vẫn còn nhiều người không thể hay không dám đưa ra kết luận, dù chỉ mới ở bước sàng lọc là trẻ có tự kỷ, có tăng động hay có chậm phát triển hay không ? Dù điều đó được xem là sự hiểu biết tối thiểu để có thể là 1 giáo viên can thiệp cho trẻ chứ không nói là 1 chuyên viên .
Đánh giá mức độ : Sau bước sàng lọc, thì đối với phần lớn các chuyên viên, họ đều có thể đưa ra những đánh giá về mức độ nặng , nhẹ hay trung bình của trẻ để từ đó , có những định hướng cho trẻ trong việc xây dựng kế hoạch can thiệp ! Tuy nhiên cũng không thiếu các chuyên viên, giáo viên hay nhân viên Y tế, Tâm lý, Giáo dục – đặc biệt là ở các bệnh viện và các trung tâm có chức năng can thiệp cho trẻ, là họ ít khi nào có những nhận định đúng với tình trạng của trẻ, mà thông thường là sẽ dùng những thuật ngữ mơ hồ hay hiểu sao cũng được – cái thuật ngữ mà các Y bác sĩ hay dùng là cụm từ : Theo dõi tự kỷ – nó hàm ý là có dấu hiệu tự kỷ đó nhưng chưa dám xác định – cứ đem trẻ về, mang đi can thiệp cho yên tâm, còn ở mức độ nào thì ..biết chết liền ! Cái cụm từ khác mà các chuyên viên hay dùng là có dấu hiệu, hay có nét tự kỷ , có yếu tố tăng động … điều này thì không sai nhưng lại không xác định là trẻ tự kỷ có yếu tố tăng động hay trẻ tăng động có yếu tố tự kỷ ! Mới nghe qua thì thấy cũng thế, nhưng đi vào can thiệp thì sẽ thấy khác nhau ! Nếu là trẻ tự kỷ có yếu tố tăng động thì vấn đề chính của trẻ là khó khăn về giao tiếp và đó là mục tiêu chính yếu. Còn nếu là trẻ tăng động có yếu tố tự kỷ thì vấn đề lại nằm ở hành vi, và giảm thiểu hành vi tăng động sẽ là mục tiêu chính. Mọi thứ phải rõ ràng ở bước này.
Vì vây, việc đánh giá mức độ thường dễ bị bỏ qua , và điều đó sẽ gây khó khăn cho những bước kế tiếp trong tiến trình can thiệp ! Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Bước tiếp theo là khi phụ huynh muốn tìm cho con mình một cơ sở can thiệp tốt, có chất lượng, giáo viên có tâm, có tài, cơ sở vật chất cũng phải “vip” một chút. Đây mới là một cuộc “ Long trang hổ đấu” quyết liệt giữa các đơn vị !
Trước hết, đó là sự đấu tranh ngay tại gia đình – bố và mẹ sẽ mâu thuẫn nhau về việc đưa con đi can thiệp hay chưa cần, vì có khi ngay cả khi đã có những minh chứng rõ ràng về tình trạng của con – Đa phần là người bố vẫn không chấp nhận, họ tự an ủi mình là con chỉ chậm nói, chỉ nghịch ngợm quá mức, chỉ không chịu nghe lời và chỉ có vài hành vi không giống ai thôi. Ngay cả với người mẹ, cũng không dễ để có được sự chấp nhận về tình trạng và mức độ của con mình. Đến khi đưa con đi can thiệp, ngoại trừ các yếu tố như ở địa phương mình không có trường, trung tâm hay cơ sở can thiệp… thì các phụ huynh đành phải tìm các giáo viên đến can thiệp tại nhà hay đưa trẻ đến nhà cô với một vài trẻ khác. Còn phần lớn sẽ hỏi ý kiến các chuyên gia, hay đơn giản hơn là đưa mong muốn can thiệp của con lên FB, và thế là một đống các thông tin về một đơn vị nào đó được gửi đến PH. Cũng có PH tự mình lên mạng, tìm cơ sở cho con và bắt đầu rơi vào một môi trường “thập diện mai phục” của đủ mọi hình thức quảng cáo , mà chỉ đến khi cọ xát thực tế, mất đứt vài tháng, thậm chí cả năm cho con đi can thiệp mới nhận ra là những lời có cánh không phải là thực chất của đơn vị đó. Vậy làm thế nào để tìm cho mình một đơn vị tốt ? Ngoài yếu tố gần nhà ( đôi khi không có sự chọn lựa ) thì các yếu tố còn lại là gì ?
Cơ sở vật chất hoành tráng hay ít ra thì cũng có các phòng can thiệp cá nhân, can thiệp nhóm, phòng ngôn ngữ, phòng tâm vận động. Thực chất, đây là vấn đề “ phải thông cảm” nhiều nhất , bởi vì ngoài những hạn chế về diện tích ( ở các TP lớn ) hạn chế về vốn đầu tư , thì cũng không thiếu các cơ sở mà người phụ trách hay chủ cơ sở không biết đầu tư như thế nào luôn ! Họ nghĩ đơn giản là cũng giống như một cái trường mẫu giáo với các dụng cụ học tập ( bàn ghế tủ kệ … ) và đồ chơi ( phần lớn là mua ở chợ hay các đồ chơi của trẻ mẫu giáo ) – có nhiều người bỏ hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu để trang bị nhưng nếu gọi là có thể dùng được cho trẻ đặc biệt thì chắc phải bỏ đi ít nhất 50% ! và bổ sung 50% các học cụ chuyên biệt ! Nhưng trang bị thế nào là phù hợp với trẻ đặc biệt ?đó cũng là một vấn đề đau đầu mà không phải chỉ có tiền nhiều là đủ, mà còn cần có sự hiểu biết thực sự về lãnh vực giáo dục đặc biệt mới có thể có các trang bị phù hợp và phát huy được hiệu quả trong việc giúp trẻ phát triển về các mặt. Có một cái chuẩn mà nhiều cơ sở tự đặt ra, đó là trang bị cho mình một phòng gọi là phòng Tâm Vận Động ! Khoan nói tới việc đã có rất nhiều hiểu lầm về thuật ngữ hay phương pháp Tâm vận động – mà việc bỏ ra vài chục triệu, thậm chí gần trăm triệu để trang bị ( có những công ty chuyên cung cấp trọn gói một phòng Tâm vận động ) thì cũng chưa chắc đó có đúng là công cụ tâm vận động hay không ? và cho dù có công cụ đầy đủ, mà giáo viên có không biết vận dụng đúng các nguyên tắc của Tâm vận động thì cũng như không.
Vấn đề thứ hai là điều quan trọng để đánh giá một cơ sở – đó là kế hoạch can thiệp ! Đây là mấu chốt để xem xét các GV của cơ sở đó có đủ năng can thiệp cho trẻ hay không ? Bởi vì ai cũng biết, trẻ đặc biệt nhất là trẻ Tự Kỷ thì không có trẻ nào giống trẻ nào – Một chương trình can thiệp về mặt lý thuyết có thể giống nhau, các bài tập cũng có thể như nhau, Nhưng đến khi vận dụng vào trẻ là khác nhau – có thể áp dụng nguyên tắc này cho trẻ, nhưng trẻ khác thì lại là nguyên tắc khác cần chú ý nhiều hơn. Người GV giỏi là người GV biết vận dụng 1 cách linh hoạt các lý thuyết và bài tập dành cho học trò của mình. Vì thế, dù cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, dù mức độ của trẻ chưa thể được xác định ngay trong thời gian đầu, thì ở một cơ sở can thiệp tốt, GV hay người phụ trách chuyên môn phải đưa ra đươc định hướng, kế hoạch hàng tuần, hàng tháng và mục tiêu can thiệp cho trẻ . GV đó phải trao đổi, trình bầy với phụ huynh về những biện pháp ( bất kỳ theo phương pháp nào ) về mục tiêu trong tháng thứ 1, tháng thứ 2, tháng thứ 3 . Nếu chi tiết hơn thì sau 1 – 2 tháng gọi là là quen với trẻ, thì phải có kế hoạch hàng tuần. Muốn có điều này thì GV phải xác định được mức độ nặng hay nhẹ hay trung bình của trẻ mà mình phụ trách. Nếu sau 3 tháng mà GV chưa đưa ra được các định hướng can thiệp, chưa đánh giá được tình trạng và mức độ của trẻ thì PH cần xem xét lại việc gửi con tại đây !
Vấn đề thứ ba tuy rất khó xác định, nhưng lại là điều không thể thiếu trong lãnh vực giáo dục đặc biệt ! Đó chính là khả năng biết chơi đùa với trẻ và tình yêu thương mà giáo viên dành cho các học sinh của mình . Một cơ sở vật chất thiếu thốn, có thể chấp nhận được, một kế hoạch can thiệp chưa thực sự rõ ràng, đầy đủ… cũng có thể du di để dần dần người GV sẽ hoàn thiện . Nhưng một giáo viên mà không biết chơi đùa với con, lúc nào cũng thờ ơ, hay nghiêm nghị ( cho trẻ sợ thì nói nó mới nghe ) hay một Gv không có tình yêu thương với các “ đứa con tinh thần” của mình. Đến dạy trẻ mà như đi làm công chức, trong giờ can thiệp thì lo chat chit, lướt FB hơn là lắng nghe để thấu cảm với những hành vi kỳ cục của trẻ ! Thích quát trẻ hơn là cười đùa, thích buộc trẻ phải làm theo các yêu cầu để nói, để giao tiếp hơn là mời gọi trẻ cùng ngồi, cùng ngả ngớn lăn lê bò toài . Giờ can thiệp, cô – trò đối điện gần 1 giờ đồng hồ, chỉ là những động tác, lời nói lập đi lập lại, được lập trình sẵn của GV để buộc cho trẻ phải nói cho bằng được… Thì đó chính là tiêu chí đánh giá tốt nhất mà phụ huynh có thể thấy được và nếu không có các yếu tố này thì cho dù mọi thứ khác là tốt, cơ sở vật chất ngon lành thì cũng nên nói lời tạm biệt.
Cuối cùng , thế nào là một chương trình can thiệp tốt nhất mà các cơ sở có thể đem lại cho trẻ đặc biệt ! Đó chính là một chương trình phụ huynh hoàn toàn có thể nắm bắt và có thể phối hợp một cách tốt nhất tại gia đình. Cơ sở nào có đủ khả năng thuyết phục, dụ dỗ, lôi kéo và bắt buộc..không phải dành cho trẻ mà là dành cho phụ huynh để có thể hợp tác với mình, đó mới là một cơ sở tốt nhất. Nếu một cơ sở không đưa được chính phụ huynh của trẻ vào chương trình can thiệp bằng việc tác động, hướng dẫn, trao đổi, chia sẻ… để cho các ông bố, bà mẹ biết cách về nhà dành thời gian cho con, ít nhất mỗi ngày 1 giờ ngồi chơi với con . Nếu cơ sở không chia sẻ các thông tin về cách dạy trẻ, để yêu cầu bố mẹ cùng tham gia tác động mà lại yêu cầu bố mẹ không cần phải quan tâm đến việc cơ sở đang dạy trẻ các gì, đang đặt ra mục tiêu gì và thậm chí tuyên bố ( điều phụ huynh rất thích nghe ) là can thiệp ở cơ sở là đủ rồi, bố mẹ chỉ cần đóng tiền hàng tháng mà không cần phải làm gì cho con thêm ở nhà – Thì đó chính là một cơ sở giáo dục tệ nhất mà PH nên tránh xa, hơn là bị chinh phục bởi các phòng học trải thảm, gắn máy lạnh và không yêu cầu gì về phía mình. Còn chuyện tuyên bố là 3 tháng hay 6 tháng thì con sẽ nói được là một điều tối kỵ ( nhưng nhiều PH cũng..thích nghe lắm ) Điều này khác hẳn với các chương trình giáo dục dành cho trẻ bình thường, bởi vì các em là VIP mà . Đã là VIP thì phải luôn luôn được tôn trọng, yêu thương, thấu hiểu , cảm thông và ..chấp nhận ! Đến đây thì các PH đã có thể chọn được cho mình và con một đơn vị rồi chứ ? Nếu chưa – xin giới thiệu 1 cơ sở tốt nhất của mọi địa phương, mọi thời đại : Cơ sở đó có tên là Gia Đình !