Các khà năng cần thiết cho trẻ 5 tuổi
29/01/2012
Cận cảnh nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới
01/02/2012
Các khà năng cần thiết cho trẻ 5 tuổi
29/01/2012
Cận cảnh nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới
01/02/2012

Hiện nay, một trong những nỗi lo lắng của một số phụ huynh là sao mà đứa con của mình ham chơi quá! Ngoài những giờ học ở trường thì khi về đến nhà là cặp một nơi, áo quần, giày mũ một nẻo và trẻ sẽ “biến” đi một chỗ nào đó để chơi !

Tuy nhiên, điều tệ hại hơn cả là những thứ lôi kéo trẻ vào các cuộc chơi lại là những thứ không tốt chút nào cho sự phát triển về nhân cách cũng như kỹ năng cho trẻ.

Khi nói đến trẻ em là phải nói đến “chơi” – vì ai cũng biết là trẻ sẽ “học” và “phát triển” được rất nhiều điều hữu ích và cần thiết cho cả thể chất và tâm lý qua các hoạt động vui chơi có định hướng. Ngoài lứa tuổi mẫu giáo là “học mà chơi – chơi mà học” tại trường và việc tìm một chỗ chơi cho trẻ từ 3 – 5 tuổi là một điều không khó lắm. Nhưng với trẻ cấp 1, từ lớp Một cho đến lớp Năm thì việc làm sao có thể quân bình giữa việc học và chơi, cũng như tìm được những “sân chơi” hữu ích cho trẻ trong độ tuổi này là điều không đơn giản !

Với trẻ Mẫu Giáo, đến trường là “chơi” – trẻ chơi ngoài sân đã đành, mà ngay trong lớp cũng có những góc chơi – và các bài hát, múa cả những bài tập đọc, tập viết, vẽ, tô màu … cũng được trẻ xem là những trò chơi. Vì vậy, trong những ngày nghỉ hay khi ở nhà thì việc chơi đùa của trẻ là một điều khá đơn giản, chỉ cần một số đồ chơi hay dẫn trẻ đi nhà sách, vào các khu vui chơi , ra công viên là đủ đáp ứng được nhu cầu của trẻ.

Nhưng với trẻ cấp Một, đến trường là học – với một chương trình không hề nhẹ nhàng như trò chơi, thì chắc chắn các em không được phép chơi trong giờ học. Ngay cả khi ra chơi, thì không phải trường nào cũng có được những sân chơi “đúng chuẩn”, đó là chưa nói đến tình trạng “bê tông hoá” hay xi măng hoá sân chơi, vì sân trường tiểu học không hề được xem là sân chơi cho trẻ, mà đó lại là nơi diễn ra mọi hoạt động ngoại khoá từ việc xếp hàng chào cờ, đến việc tập thể dục, thể thao hay tổ chức các lễ hội. Vì thế một sân trường sạch đẹp sẽ không cho phép các em được vui đùa thoải mái, hoặc nếu có thì cũng chỉ quanh quẩn một vài trò nhẹ nhàng.

Trẻ không có sân chơi ở trường, không có đủ giờ chơi và không được phép chạy chơi, nô đùa quá mức trong giờ chơi thì trẻ sẽ được chơi ở đâu ? Hiện nay, tình trạng “thiếu sân chơi” cho giới trẻ nói chung và cho lứa tuổi cấp 1 nói riêng đã là điều được nói đến rất nhiều nhưng chưa có sự đáp ứng hay giải pháp hiệu quả nào để có thể giúp trẻ chơi tích cực và thoải mái.

Hiện nay, tại TP. HCM có khoảng 24 nhà văn hóa thiếu nhi cấp quận huyện nhưng chưa một nơi nào được đầu tư các hạng mục thực sự chuyên nghiệp để phục vụ dành riêng cho các em nhỏ. Các hình thức vui chơi tại đây còn nặng về hình thức, phong trào chứ chưa thực sự đi sát với nhu cầu thực tế từ năng lực được vui chơi, sáng tạo của các em.


Theo con số thống kê của các cơ quan chức năng thì trung bình mỗi ngày có 74 trẻ em chết vì tai nạn thương tích, trong đó lỗi chủ quan của người lớn chiếm đến 70%. Từ điện giật, tai nạn giao thông, bỏng, ngã và đặc biệt là chết đuối trong dịp hè là những con số gây nhức nhối hơn cả. Một con số thống kê cụ thể thì chỉ trong vòng năm 2007, cả nước đã có 900.000 trường hợp tai nạn thương tích xảy ra với trẻ em, làm tử vong hơn 7500 trẻ.Trên các phương tiện truyền thông thì cứ vài ba ngày lại đưa tin về các vụ chết đuối, có những vụ mà nguyên nhân chỉ là những cái hố, cái vũng trên những công trình thi công bị ngập do mưa nhiều. Còn lại là do trẻ đi “giải trí” trên ao, sông, hồ mà không có sự kiểm soát của người lớn.Trẻ chết đuối nhiều khiến dư luận bức xúc và hàng loạt các ý kiến, nhóm giải pháp đã đươc đưa ra như dạy bơi cho trẻ trong nhà trường, rồi thiết kế cặp sách “kiêm” áo phao cho học sinh trong những vùng hay bị ngập nước, vùng rốn lũ…Nhưng có một nguyên nhân gián tiếp làm trẻ bị tai nạn thương tích hoặc tử vong đấy là thiếu sân chơi, thiếu các địa điểm giải trí an toàn và lành mạnh.

Vì thế nếu muốn quan tâm trẻ em một cách thiết thực trên bình diện giải trí thì không thể chỉ là việc xây dựng các khuôn viên, khu vui chơi với một số trang thiết bị như cầu tuột, xích đu…ngoài trời hay tổ chức các khu vui chơi trong các trung tâm thương mại, siêu thị với những thiết bị máy móc hay các trò chơi vận động “cao cấp” mà phải có sự đa dạng hoá các hình thức chơi, những biện pháp hướng dẫn giúp cho cha mẹ biết chơi với con, biết hướng dẫn cho con các hoạt động vui chơi, nhất là những trò chơi giúp trẻ phát triển trí tuệ, năng khiếu và các kỹ năng sống và nhất là khả năng tự chơi, có khả năng phát huy và tổ chức các trò chơi, tự biết bảo vệ mình về cả thể chất lẫn tinh thần trong các hoạt động vui chơi.

Hiện nay, có một loại trò chơi gây ra nhiều tác động cả tích cực lẫn tiêu cực nhất là các trò chơi trên máy vi tính, nhất là đối với các trò chơi trực tuyến ( games online ) với nhiều hệ luỵ mà từ gia đình cho đến xã hội vẫn chưa tìm ra được những biện pháp giải quyết thích hợp vì một điều rõ ràng nhất, là chúng ta không thể ngăn chặn làn sóng chơi games online bằng bất cứ biện pháp nào, từ việc cấm đoán trong gia đình, cho đến việc quản lý các tiệm net, quản lý giờ chơi hay hạn chế các game bạo lực…mà dẫu có cấm được đi chăng nữa thì chúng ta sẽ có cái gì, trò chơi gì để thay thế games online ? Những hoạt động đội nhóm mang tính phong trào và hình thức nhiều hơn là sự phong phú, đa dạng của nội dung liệu có đủ sức lôi các em ra khỏi cái mạng nhện của internet nói chung và games online nói riêng ? Chúng ta không thể buộc các em phải học, học từ sáng cho đến tối, học 7 ngày trong một tuần, học chính khoá, học thêm, phụ đạo, học ngoại ngữ, tin học, học năng khiếu mà không có được những giờ chơi, những buổi chơi cùng những hình thức nghỉ ngơi thư giãn tích cực khác. Nhưng cũng không thể chỉ biết đưa ra một vài “sân chơi mẫu” hay hoạt động vui chơi theo phong trào và lại càng không thể khoanh tay nhìn các game online ngày càng lôi kéo các em vào thế giới ảo để đánh mất những bản chất thật của chính mình.

Vì thế, một sân chơi cuối tuần cho các em, một chương trình hướng dẫn các em tự chơi, tự biết bảo vệ mình để có thể tạo ra các cách chơi tích cực và cả việc làm chủ được nhu cầu chơi games online của mình là một điều hết sức cần thiết mà phụ huynh nên quan tâm. Việc quan tâm ở đây không phải chỉ là việc dẫn con đến một địa điểm nào đó, rồi ngồi xem con chơi hay để con ở đó còn mình lại quay về với các công việc khác, mà còn là biết rõ về những gì có khả năng thu hút con, biết con thích gì, biết con có thể chơi những trò chơi gì. Phụ huynh còn phải có những lúc chơi với con trong ngày, trong tuần và đừng tạo ra những áp lực nặng nề trên việc học của con, đừng đặt những kỳ vọng vượt quá năng lực của trẻ hay mong muốn trẻ phải trở thành một mẫu người nào đó mà mình mơ ước. Điều đó không phải là sai, nhưng chỉ trong một chừng mực vì chúng ta vẫn phải biết rằng, vui chơi giải trí là một phần tất yếu của cuộc sống.

Lê Khanh

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý