Ngôn ngữ của màu sắc
28/04/2011
Những quy tắc ứng xử
28/04/2011
Ngôn ngữ của màu sắc
28/04/2011
Những quy tắc ứng xử
28/04/2011

Gia đình được xây dựng trên nền tảng của những mối quan hệ giữa vợ – chồng / bố mẹ – con. Việc thực hiện tốt các mối quan hệ này là điều kiện tiên quyết trong việc giáo dục con cái ….

 

NHỮNG QUY TẮC ỨNG XỬ GIỮA HAI VỢ CHỒNG

Luôn đặt bạn đời lên vị trí ưu tiên hàng đầu

Khi kết hôn với ai đó, tức là bạn đã chấp nhận gắn kết phần còn lại của cuộc đời mình cho họ và đương nhiên, vợ/chồng phải là người quan trọng nhất đối với bạn. Dù trong hoàn cảnh nào, bạn đời phải luôn được đặt lên vị trí ưu tiên nhất. Có thể bạn nghĩ rằng cha mẹ, người thân trong gia đình mình mới là quan trọng, ưu tiên hơn cả. Tuy nhiên, gia đình thân thuộc nhất của bạn lúc này không ai khác ngoài vợ/chồng của mình.

Có rất nhiều người thường đặt cha mẹ ruột, bạn bè thân thiết lên trên cả bạn đời mình. Nếu có vấn đề gì, họ sẽ tâm sự với những người đó để tìm ra giải pháp trước mà không phải là bạn đời của mình. Điều này thật sai lầm! Không ai hiểu rõ những gì trong cuộc sống hôn nhân của bạn ngoài hai bạn cả, kể cả cha mẹ bạn.

Do đó, những ý kiến, lời khuyên, v.v. từ bên ngoài sẽ không chính xác và hợp lý. Đôi khi nó không giúp ích gì, mà lại còn gây ảnh hưởng xấu đến hôn nhân của bạn. Hoặc là khi bạn đang ở nhà, một người bạn thân gọi điện cho bạn nhờ bạn giúp chuyện gì đó trong khi vợ/chồng bạn đang cần bạn ở kế bên. Cách cư xử đúng là bạn phải ở bên bạn đời trước, đảm bảo là mọi thứ xong xuôi cho anh ấy/cô ấy rồi mới đến giúp bạn của mình. Trong khi tôi biết rất nhiều trường hợp làm ngược lại. Có thể một hay hai lần như vậy, bạn đời sẽ không lấy làm giận hờn hay trách bạn, tuy nhiên, trong thâm tâm anh ấy/cô ấy vẫn có cảm giác hơi buồn, tủi thân một tý. Và nếu cứ lặp lại, cảm giác đó sẽ ngày càng nhiều, bạn đời sẽ bị tổn thương. Từ đó, tình cảm vợ chồng vô tình bị sứt mẻ.

Ngoài ra, khi hai vợ chồng đều là ưu tiên số một trong lòng người kia thì mối quan hệ của hai người sẽ luôn gắn bó và khăng khít, ít bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài như gia đình hai bên, bạn bè, v.v. Rất nhiều cuộc hôn nhân ngày nay bị đổ vỡ chỉ vì chồng hoặc vợ xem trọng người khác ngoài bạn đời của mình, và đưa ra quyết định sai lầm dựa trên những ý kiến khách quan từ bên ngoài.

Bạn đời luôn phải là người quan trọng trong cuộc sống của bạn, và phải phải luôn giữ tình yêu, sự quan tâm đến họ như trước khi các bạn có con vậy. Bạn yêu người ta nhiều đến mức có con cái với họ mà, vậy thì không có lý do gì họ trở nên ít quan trọng hơn sau khi con cái ra đời. Vả lại, sau khi cháu lớn lên và trưởng thành, lập gia đình và sống cuộc sống riêng của chúng thì rồi lại sẽ chỉ còn bạn với người bạn đời của mình. Và nếu họ không cảm thấy sự ưu tiên, quan tâm hàng đầu của bạn thì khi đó, bạn sẽ cảm thấy hụt hẫng đấy.

Đặc biệt với người đàn ông, họ thường có tâm lý ganh tỵ với con và trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Họ thấy hụt hẫng và tủi thân khi vợ dồn hết sự quan tâm và yêu thương vào con cái. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và lợi ích của con. Đứa trẻ phải được nuôi dạy và lớn lên trong môi trường hạnh phúc, trong tình yêu thương của cha mẹ thì mới phát triển một cách toàn diện về tâm sinh lý được. Vì vậy, bạn không nên lơ là với bạn đời, họ có thể cần ít thời gian và sự chú ý của bạn hơn các con nhưng họ phải là người quan trọng nhất đối với bạn và luôn luôn là như vậy.

Do đó khi đã kết hôn, việc điều chỉnh sự ưu tiên trong các mối quan hệ đó là rất cần thiết để tạo hạnh phúc, sự bền vững cho hôn nhân.

KHI HAI VỢ CHỒNG ĐỀU LÀ ƯU TIÊN SỐ MỘT TRONG LÒNG NGƯỜI KIA THÌ MỐI QUAN HỆ CỦA HAI NGƯỜI SẼ LUÔN GẮN BÓ VÀ KHĂNG KHÍT

Lắng nghe, tôn trọng ý kiến, quan điểm của nhau để cùng tìm ra tiếng nói chung.

Trong cuộc sống hôn nhân, việc xảy ra xung đột trong quan điểm, suy nghĩ là điều không thể tránh khỏi. Để giải quyết xung đột này và cùng đi đến giải pháp chung hợp lòng cho cả hai thì không khó, nó chỉ đòi hỏi sự thông cảm, tế nhị và ý thức từ hai phía. Có thể bạn là người rất có cá tính, có lập trường, có quan điểm riêng và bạn có những lý do chặt chẽ, hợp lý để bảo vệ quan điểm, ý kiến của mình. Điều đó không sai, không phải là không tốt. Nhưng trong đời sống vợ chồng, bạn cần linh động và nên nhìn vấn đề từ nhiều khía cạnh, thậm chí là đặt mình vào vị trí của bạn đời để nhìn vấn đề sao cho hợp lý nhất.

Hãy lắng nghe bạn đời bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của họ, không ngắt lời, không phản bác theo kiểu ’’Thôi dẹp đi, anh/em nghĩ sao mà nói vậy’’, v.v. cho dù ý kiến của họ có trái ý của bạn đến đâu. Việc gạt phắt phát biểu của bạn đời như vậy không những làm anh ấy/cô ấy tự ái, bị tổn thương mà còn làm cuộc xung đột căng thẳng hơn. Thậm chí, do tự ái, họ sẽ càng cố bảo vệ quan điểm của mình bất chấp điều đó đúng hay sai.

Do đó, thay vì gạt phắt, bạn hãy nhỏ nhẹ, bình tĩnh phân tích một cách tế nhị, nhưng vẫn không quên bày tỏ sự đánh giá cao của bạn về quan điểm đó dù nó không hợp lý lắm như ’’Em/ anh thì nghĩ như vậy…’’ hoặc ’’Ý kiến của anh/em cũng hay hay nhưng em/anh nghĩ là chưa hợp lý lắm, em/anh thấy sao nếu mình làm như vậy…’’. Tôi bảo đảm là với cách nói như vậy, bạn đời vừa không bị tự ái, lại vừa vui vẻ lắng nghe bạn nói.

Tuyệt đối không nên chê bai, hạ thấp quan điểm, ý kiến của bạn đời cho dù ý kiến đó tệ và ngốc nghếch đến đâu. Hãy luôn tôn trọng mọi lời nói, suy nghĩ của họ.

Đừng bao giờ lờ đi hoặc bỏ ngoài tai ý kiến của bạn đời. Chẳng hạn như nếu bạn thích nhuộm tóc nhưng chồng lại không thích. Vậy trong trường hợp này, bạn sẽ làm gì?! Vẫn đi nhuộm mặc kệ chồng không thích? Hay nghe lời chồng nhưng trong lòng lại ấm ức? Cách khôn ngoan nhất là thuyết phục chồng để anh ấy thay đổi suy nghĩ và vui vẻ để bạn đi nhuộm tóc.

Hãy quan tâm đến suy nghĩ, ý kiến của bạn đời về mọi việc. Ví dụ như bạn muốn mua một bộ váy mới, bạn nên tham khảo ý kiến của chồng như ’’Anh thấy bộ này hợp với em không ?’’, hoặc cuối tuần này bạn muốn mời vài người bạn về nhà ăn tối và nhậu lai rai, bạn không nên hẹn với bạn trước khi hỏi ý vợ, vì biết đâu hôm đó cô ấy có kế hoạch gì khác thì sao. Việc thường xuyên thăm hỏi, quan tâm và coi trọng ý kiến của nhau sẽ làm hai bạn cảm thấy luôn được tôn trọng và thấy mình quan trọng với người kia đến dường nào.

HÃY QUAN TÂM ĐẾN SUY NGHĨ, Ý KIẾN CỦA BẠN ĐỜI VỀ MỌI VIỆC


Thành thật với nhau một cách triệt để

Chắc hẳn bất cứ ai cũng từng ít nhất một vài lần nói dối bạn đời, tùy vào trường hợp mà lời nói dối đó có nghiêm trọng hay không và có làm người nói dối cảm thấy áy náy hay không. Bản thân tôi cũng không ngoại lệ và thường nghĩ rằng ’’Chuyện đó không nghiêm trọng đến nỗi nào, nói dối một chút đi cũng không hại ai’’. Nói dối dù chỉ đối với một việc nhỏ nhặt cũng không tốt trong mối quan hệ. Vì nó sẽ tạo cho bạn thói quen nói dối một cách vô thức, điều này cực kỳ nguy hiểm.

Hãy luôn luôn thành thật với nhau trong mọi chuyện. Sự thành thật sẽ tạo niềm tin tuyệt đối vào nhau. Khi bạn đã có thói quen thành thật với nhau, bạn sẽ thấy là bạn không thể nói dối bạn đời nữa. Trong trường hợp đã nói dối, bạn cũng sẽ thấy rất áy náy và có lỗi (điều không bao giờ có nếu hai bạn thường xuyên nói dối nhau). Thử tưởng tượng bạn đời luôn tin tưởng bạn và không bao giờ nghi ngờ những gì bạn nói, nhưng bạn lại không thành thật với họ, nếu phát hiện ra bạn nói dối, họ sẽ có cảm giác không thể tin bạn nữa và bị tổn thương ghê gớm.

Quả thực, sự thành thật là sự bày tỏ tình yêu và do đó, nó luôn là điều thiết yếu trong hôn nhân. Người xưa có câu ’’Sự thật mất lòng’’, nhưng cũng có câu ’’Sự thật làm lành vết thương’’. Hãy tự hỏi chính mình, nếu bạn đời làm chuyện gì đó ngu ngốc và anh ấy/cô ấy tự kể với bạn một cách chân thành, có thể bạn sẽ rất bực tức khi nghe, nhưng sau đó, bạn có bỏ qua cho họ không?

Sự thành thật có nhiều mức độ. Trong vài trường hợp, mức độ thành thật trong câu nói của bạn hơi thấp nhưng vẫn chấp nhận được, chẳng hạn như khi người vợ hỏi ’’Anh thấy áo đầm này có làm em mập không ?’’, dù thực tế cái áo đó làm cô ấy mập ra rất nhiều, nhưng người chồng có thể trả lời là ’’Em yêu, em đẹp lắm, nhưng đúng là chiếc áo đó làm em hơi tròn ra một tý’’. Bạn đã nói dối nhưng mức độ không nhiều, và bạn vẫn thành thật trong câu trả lời của mình. Bạn đời sẽ không hề cảm thấy phật lòng với câu nói của bạn mà sẽ vui vẻ đi thay áo khác.

Hãy cố gắng thành thật với bạn đời một cách triệt để và tế nhị nếu cần thiết. Sự thành thật là yếu tố rất quan trọng nếu bạn muốn có 1 mối quan hệ chân thành và bền vững. Nói dối phải luôn nằm ngoài từ điển của cả hai.

SỰ THÀNH THẬT SẼ TẠO NIỀM TIN TUYỆT ĐỐI VÀO NHAU

Học cách điều khiển và chi phối tình huống khi có xung đột.

Mâu thuẫn, xung đột, cãi nhau là điều không thể tránh khỏi trong hôn nhân dù ít hay nhiều. Nó không phải là vấn đề gì nghiêm trọng vì mọi cuộc hôn nhân đều phải có xung đột. Đời sống vợ chồng mà không có đôi lần cãi nhau thì cũng kém phần thú vị. Nếu cư xử khôn khéo và hợp lý thì không những làm cuộc cãi vã mau kết thúc, mà còn làm tình cảm hai vợ chồng càng thắm thiết hơn.

Ngược lại, nếu bạn nóng tính và không kìm chế cái tôi quá lớn trong mình, bạn sẽ dễ dàng đẩy cuộc tranh cãi vào ngõ cụt và làm tổn thương đến hôn nhân. Do đó,cần áp dụng một số biện pháp sau để cuộc cãi vã nhanh chóng kết thúc, cũng như để tranh cãi một cách có nghệ thuật:

  • Đừng lôi những chuyện nhỏ nhặt ra để chì chiết nhau hoặc đề cập đến những chuyện làm bạn bực mình hằng ngày mà bạn không nói ra, nhưng khi có tranh cãi, bạn lại lôi ra nói. Điều đó chỉ đổ thêm dầu vào lửa mà thôi.
  • Tuyệt đối không ngắt lời bạn đời khi họ đang nói. Lắng nghe những gì họ nói một cách nghiêm túc, chú ý đến ngôn ngữ cơ thể (giọng nói, ánh mắt, cử chỉ tay chân, v.v.)
  • Nếu bạn đời không muốn nói về điều gì  ngay thời điểm đó, hãy sắp xếp lúc khác trong vòng 24h để cả hai cùng nói chuyện về nó.
  • Hãy nhớ, chỉ tập trung vào vấn đề đang tranh cãi, không lôi kéo hoặc đưa những chuyện khác vào. Tôi biết nhiều người khi có xung đột thường nghĩ tới những mâu thuẫn, lỗi lầm trong quá khứ của bạn đời và mang ra chì chiết. Đừng làm như vậy nếu bạn muốn có một cuộc tranh cãi công bằng.
  • Không đưa người thứ ba vào cuộc tranh cãi (như bố chồng, bố mẹ vợ, bạn bè, v.v ). Xung đột là của hai bạn, vậy chỉ hai bạn mới có thể giải quyết nó.
  • Không gọi nhau bằng những tên xấu, hay thậm chí nếu bạn gọi người kia bằng những cái tên dễ thương, tên thú nuôi nhưng với giọng mỉa mai, nhạo báng thì cũng làm tổn thương họ lắm và cuộc tranh cãi càng không có hồi kết.
  • Cẩn thận khi bạn cố tỏ ra hài hước trong lời nói của mình. Có thể bạn đùa vui một tý để làm dịu tình hình, nhưng bạn đời có thể hiểu lầm và cho rằng bạn đang cố tình xúc phạm họ, hoặc họ không nghĩ ra ý đùa của bạn.
  • Không đổ lỗi để cố gắng buộc tội bạn đời.
  • Hãy dùng đại từ xưng hô chỉ bạn trong lời nói của mình, thay vì chỉ bạn đời. Điều này nhằm mục đích cho thấy cả hai đều có trách nhiệm và có lỗi với cuộc xung đột này, chứ không chỉ một trong hai.
  • Nếu cả hai không quá nóng giận, hãy cố gắng nắm tay nhau trong khi nói chuyện với nhau.
  • Bật đèn xanh ngầm ra hiệu cho bạn đời biết là bạn sẵn lòng tha thứ hoặc muốn được tha thứ. Đừng ngại nói lời xin lỗi nếu đó là lỗi của bạn.
  • Không dùng từ ngữ, lời lẽ tục tĩu, xúc phạm để nói với nhau. Không la hét, mắng, chỉ vào mặt nhau, không nói chuyện bằng giọng đe dọa, thách thức.
  • Tránh dùng cụm từ ’’không bao giờ’’ trong câu nói.

Ngoài ra, bạn nên nhớ điều này. Đó là khi xung đột thì bạn đang cãi nhau cho mục đích hôn nhân của mình, chứ không phải vì mục đích cãi để thắng bạn đời, cãi để ăn thua nhau. Bên cạnh đó, hai bạn nên thỏa thuận với nhau dù mâu thuẫn có lớn đến mấy thì cũng phải giải quyết và làm lành trong thời gian sớm nhất. Nếu đã quyết định tha thứ, hãy cố gắng tha thứ hoàn toàn, vì sự căm hận chỉ làm tổn hại cả về tinh thần và thể chất cho chính bạn và cho hôn nhân của bạn mà thôi.

( Trích trong : Những quy tắc trong cuộc sống vợ chồng

Alpha Books biên soạn– NXB: Lao động xã hội 2009)

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý